Cho phép Văn phòng công chứng tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân?

(PLVN) -Sửa đổi Luật Công chứng lần này, Bộ Tư pháp cho biết, bên cạnh loại hình công ty hợp danh, sẽ đề xuất cho phép Văn phòng công chứng (VPCC) được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân để giảm chi phí về cơ sở vật chất và bộ máy nhân sự.
Cho phép Văn phòng công chứng tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân?

Miễn cưỡng hợp danh

Bộ Tư pháp cho biết, với việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, đội ngũ công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) ở nước ta đã và đang phát triển với tốc độ khá cao (số lượng CCV tăng 2,7 lần, số lượng TCHNCC tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành). Không chỉ tăng lên về số lượng, chất lượng đội ngũ CCV cũng có những tiến bộ đáng kể, quy mô và tính chuyên nghiệp của các TCHNCC cũng được nâng cao. Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các TCHNCC trên cả nước đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng và gần 60 triệu việc chứng thực; tổng số phí công chứng thu được hơn 8 nghìn tỷ đồng, phí chứng thực thu được gần 350 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 1360 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 1600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận việc VPCC chỉ được hoạt động theo một loại hình duy nhất là công ty hợp danh bộc lộ nhiều điểm hạn chế, đặc biệt là tình trạng bắt buộc phải hợp danh trong khi thực tế VPCC chỉ cần 01 CCV hoặc miễn cưỡng hợp danh vì không còn lựa chọn nào khác dẫn đến hàng loạt mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình hoạt động. Về danh nghĩa các VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng trên thực tế có không ít VPCC chỉ có 01 CCV hành nghề thực tế, CCV hợp danh còn lại thực chất là “đi mượn”, “đi thuê”, “ghi danh”…; nhiều VPCC hoạt động cầm cự do khả năng chỉ đáp ứng được cho 01 CCV nhưng lại vẫn phải chi trả cho 02 CCV hợp danh, thường xuyên thay đổi CCV nên không bảo đảm tính ổn định, bền vững; việc các VPCC thường xuyên thay đổi CCV cũng gây không ít khó khan, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước về công chứng ở địa phương. Nhiều TCHNCC chưa thực hiện đúng chức năng chủ đạo của mình trong việc hỗ trợ hoạt động hành nghề của CCV mà chủ yếu tập trung vào việc quản lý và giữ chân CCV để đáp ứng điều kiện phải có ít nhất 02 CCV hợp danh để duy trì sự tồn tại của tổ chức.

Việc phát triển các TCHNCC chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bổ hợp lý. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển các TCHNCC bị bãi bỏ, hàng loạt cá nhân, tổ chức ngấm ngầm chạy đua để thành lập mới các VPCC; VPCC ở các huyện vùng ven hoặc huyện xa trung tâm thì đồng loạt yêu cầu được chuyển về các quận, huyện trung tâm càng khiến gia tăng sự bất hợp lý trong phân bổ các TCHNCC.

Do đó, sửa đổi Luật Công chứng bên cạnh loại hình công ty hợp danh, cho phép VPCC được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân để giảm chi phí về cơ sở vật chất và bộ máy nhân sự, phù hợp với điều kiện nhiều địa bàn có lượng việc công chứng ít, giá trị việc công chứng thấp.

Bảo đảm nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ CCV

Thời gian qua, đội ngũ CCV tuy tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa đồng đều, một bộ phận yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Việc phát triển đội ngũ CCV còn thiếu tính quy hoạch để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu chứng nhận hợp đồng, giao dịch; việc phân bổ CCV cũng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, còn các địa phương khác thì tình trạng khan hiếm CCV vẫn thường xuyên diễn ra và chưa có giải pháp hữu hiệu. Tình trạng xin rút hợp danh, gia nhập VPCC của CCV còn dễ dãi, thiếu kiểm soát, thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh.

Do đó, dự thảo Luật Công chứng sửa đổi quy định việc phát triển CCV có định hướng, kế hoạch phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về số lượng CCV cũng như việc phân bổ hợp lý đội ngũ CCV; Sửa đổi một số quy định về bổ nhiệm CCV để phù hợp với Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tuy nhiên vẫn bảo đảm nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ CCV.

Dự thảo cũng xác định chức năng chính của TCHNCC là bộ máy giúp việc do CCV lập ra để giúp việc cho CCV, hỗ trợ CCV các công việc hành chính, cung cấp cơ sở vật chất, hạch toán về thuế, phí và là đầu mối giúp CCV thực hiện nghĩa vụ với nhà nước chứ không phải là cơ quan quản lý CCV (con dấu của TCHNCC đóng trên văn bản công chứng không phải là điều kiện có hiệu lực của văn bản công chứng mà chỉ dùng trong các văn bản hành chính của tổ chức).

Với những quy định mới, hy vọng việc sửa đổi Luật Công chứng sẽ phát triển đội ngũ CCV đáp ứng yêu cầu thực tiễn (số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn. Đồng thời, phát triển các TCHNCC đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bổ hợp lý, nhất là tại các vùng địa bàn khó khăn; xác định mô hình TCHNCC phù hợp với điều kiện mới.

Đọc thêm