Cho thương mại thuốc lá làm nóng: Các nước ngăn chặn giới trẻ như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự xuất hiện của thuốc lá không khói, bao gồm thuốc lá làm nóng khiến Chính phủ các nước lo ngại về khả năng sản phẩm này tiếp cận giới trẻ. Trong khi đó, tại các nước được phép thương mại hóa, tỷ lệ giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá làm nóng dù vẫn có nhưng thấp hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu hoặc đều là những đối tượng đã từng sử dụng thuốc lá trước đó. 

Đây là kết quả của sự phối kết hợp giữa chính sách nhà nước và cơ chế thương mại của nhà sản xuất, phân phối sản phẩm này.

Đủ tuổi theo quy định mới được phép tìm hiểu, mua hàng

Nhiều quốc gia cho phép lưu hành thuốc lá làm nóng nhưng kèm theo đó là chính sách kiểm soát tiêu dùng chặt chẽ mà mục đích trước tiên là nhằm ngăn chặn giới trẻ tiếp cận và trở thành những người tiêu dùng mới. Nhiều quốc gia đã thực hiện điều này thành công, khi kết quả của các khảo sát cho biết tỷ lệ trẻ vị thành niên hút thuốc lá không khói là không đáng kể và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trẻ tìm đến thuốc lá điếu.  

Các quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật, Đức… cho thấy sự thành công trong quản lý thuốc lá làm nóng bằng việc áp dụng chính sách quản lý đồng bộ, từ nhà nước đến doanh nghiệp, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của giới trẻ. Trong đó, việc khai báo độ tuổi trong tất cả các khâu tương tác, truyền thông sản phẩm và bán hàng (cả trực tuyến và không trực tuyến) là yêu cầu bắt buộc tại hầu hết các quốc gia đang thương mại hóa thuốc lá làm nóng. 

Người mua hàng hay có ý định mua hàng phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi mua hàng, nhận hàng, truy cập vào trang web sản phẩm và tương tác trực tiếp tại các điểm bán. Chỉ những người thỏa mãn điều kiện về độ tuổi mới tiếp cận được vào thông tin sản phẩm. 

Minh bạch thông tin cảnh báo về sức khỏe là một trong những điều kiện bắt buộc để cấp phép lưu hành sản phẩm. Tại Mỹ, một loại thuốc lá làm nóng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép kinh doanh với chỉ định là giảm thiểu phơi nhiễm so với thuốc lá điếu. 

Những sản phẩm thuốc lá không khói hiện đang tiêu thụ ở Việt Nam đều có nguồn gốc xách tay hoặc nhập lậu.
Những sản phẩm thuốc lá không khói hiện đang tiêu thụ ở Việt Nam đều có nguồn gốc xách tay hoặc nhập lậu. 

Song, cơ quan này cũng phân loại sản phẩm nêu trên là thuốc lá nhưng không đốt cháy (non-combustible cigarettes) để phân biệt với thuốc lá điếu thông thường (có đốt cháy) và thuốc lá điện tử. Đồng thời, phần cảnh báo sức khỏe tương tự như thuốc lá vẫn được công bố trên bao thuốc của sản phẩm này theo luật liên bang. 

Những cảnh báo sức khỏe được sử dụng luân phiên bao gồm: hút thuốc lá gây ung thư phổi, bệnh tim, khí phế thũng và có thể gây biến chứng trong thai kỳ; cai hút thuốc lá ngay bây giờ sẽ làm giảm đáng kể những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe; việc hút thuốc lá ở phụ nữ mang thai có thể gây tổn thương thai nhi, dẫn đến tình trạng sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Giới trẻ vẫn được bảo vệ khỏi sự tiếp cận của các sản phẩm không khói 

Đây là kết luận được đưa ra từ các nghiên cứu, khảo sát tại nhiều quốc gia. Dữ kiện cho thấy tỷ lệ tiếp cận của giới trẻ vẫn có nhưng thấp và thuốc lá làm nóng không phải là sản phẩm mà giới trẻ chọn để bắt đầu việc tiêu dùng các sản phẩm chứa nicotin. 

Những con số thống kê từ Nhật Bản – nơi thuốc lá làm nóng được thương mại hóa đầu tiên trên thế giới (năm 2014) cho thấy, “nguy cơ giới trẻ bị hấp dẫn và trở thành người tiêu dùng mới” hầu như không đáng kể. Cụ thể, trong một nghiên cứu năm 2018 cho thấy chỉ 0,1% học sinh sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng hằng ngày trong cả 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Nhưng nhóm học sinh này đã có sử dụng thuốc lá điếu trước đó. Hiện tại, Nhật Bản vẫn chưa có số liệu ở chiều ngược lại cho thấy giới trẻ hút thuốc lá làm nóng sau đó sẽ chuyển sang sử dụng thuốc lá điếu.

Số liệu khảo sát của HBSC, Thụy Sĩ thực hiện năm 2018.

Thụy Sĩ cũng ghi nhận sự tương đồng. Tỷ lệ thanh thiếu niên 15 tuổi từng sử dụng thuốc lá làm nóng thấp hơn rất nhiều lần so với số liệu của thuốc lá điếu. Theo khảo sát HBSC 2018 đối với hơn 11.000 thanh thiếu niên từ 11-15 tuổi, tỷ lệ thanh thiếu niên từng hút thuốc lá điếu cao gấp gần 20 lần so với tỷ lệ thanh thiếu niên từng sử dụng thuốc lá làm nóng. 

Nói về việc thuốc lá làm nóng tiếp cận giới trẻ, Tiến sĩ Priscilla Callahan-Lyon từ Cơ quan FDA Hoa Kỳ cho biết, nguy cơ giới trẻ sử dụng thuốc lá làm nóng là không đáng kể, vì giá thành khá cao (từ 90 -100 đô-la/thiết bị) nên việc giới trẻ mua sản phẩm không phải là điều dễ dàng. Ngoài ra, sản phẩm phẩm thuốc lá điếu đặc chế này chỉ có hai loại là mùi hương thuốc lá có tinh dầu bạc hà và mùi hương thuốc lá không có tinh dầu bạc hà. Do đó, nguy cơ hấp dẫn giới trẻ vì mùi hương đa dạng đã được loại trừ.

Đến nay, các sản phẩm không khói, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, đã hiện diện tại Việt Nam trong gần 4 năm qua theo các con đường xách tay, buôn lậu. Hiện vẫn chưa ghi nhận được số liệu tác động đến giới trẻ của các sản phẩm thuốc lá làm nóng nhập lậu. 

Nhiều hội thảo được tổ chức nhưng đến nay thuốc lá làm nóng vẫn chưa được đưa vào quản lý.
 Nhiều hội thảo được tổ chức nhưng đến nay thuốc lá làm nóng vẫn chưa được đưa vào quản lý.

Trong khi đó, Viện Chiến lược chính sách y tế tại Hà Nội vừa công bố có tới 5,2% thanh thiếu niên chưa hút thuốc bao giờ nhưng lại hút thuốc lá điện tử. Trước tình trạng trên, cơ quan y tế đã phối hợp cùng với các cơ quan ban ngành khác thực hiện việc tuyên truyền tác hại của các loại sản phẩm thuốc lá nói chung, trong đó bao gồm các sản phẩm không khói. 

Tuy nhiên, so với thuốc lá điếu, các sản phẩm không khói vẫn chưa có khung pháp lý và nằm ngoài Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành của Việt Nam. Việc thiếu quản lý sẽ dẫn đến lỗ hổng trong phòng chống tác hại của thuốc lá. Vì vậy, xã hội cũng như các cơ quan thực thi pháp luật đang trông đợi việc ban hành chính sách để có cơ sở quản lý sản phẩm và xử lý hành vi buôn lậu các sản phẩm thuốc lá một cách nghiêm minh, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Đọc thêm