Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn có diễn biến phức tạp, dù số ca mắc SXH liên tục giảm trong nhiều tuần gần đây trên địa bàn thành phố, nhưng qua kiểm tra cho thấy nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể gia tăng. Cùng với đó, theo chu kỳ hàng năm tháng 10, tháng 11 vẫn là lúc xuất hiện đỉnh dịch, do đó người dân cần hết sức cẩn thận để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có thời điểm Bệnh viện Nhiệt đới và các khoa truyền nhiễm của nhiều bệnh viện thiếu giường bệnh trầm trọng, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở xa hơn. Đến nay, số lượng các ca mắc SXH trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục có xu hướng giảm xuống.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tuần từ ngày 16/10 đến ngày 22/10, Hà Nội ghi nhận 862 trường hợp mắc SXH, trong đó 24/30 quận, huyện có số mắc giảm, một số quận, huyện vào những tuần trước có số ca mắc giảm thì nay lại tăng lên như Ba Đình, Sơn Tây, Phú Xuyên và 3 quận, huyện có số mắc tương đương. Tính đến thời điểm này, toàn Hà Nội có 34. 450 trường hợp mắc bệnh, 7 trường hợp tử vong. Hiện còn 829 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Điều này chứng tỏ xu hướng giảm của dịch bệnh SXH tại Thủ đô chưa hoàn toàn bền vững.
Tại Hà Nội, mặc dù số ca mắc SXH liên tục giảm trong 10 tuần gần đây, tuần vừa qua giảm 159 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.707 trường hợp (75,8%) so với tuần cao điểm của tháng 8. Tuy nhiên số mắc còn ghi nhận ở mức cao và điều kiện thời tiết hiện nay vẫn thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản phát triển nên vẫn cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù số ca mắc SXH liên tục giảm trong vài tuần gần đây nhưng với diễn biến thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Hiện tại, thời tiết đang chuyển mùa, trời nắng nóng xen với mưa rất thuận lợi để muỗi vằn – vật trung gian gây bệnh sinh sôi nảy nở và phát triển. Hơn nữa, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế chu kỳ hàng năm đỉnh dịch sẽ kéo dài đến tận tháng 11 chứ chưa hẳn đã kết thúc. Qua nghiên cứu tình hình dịch SXH trên địa bàn TP Hà Nội 5 năm gần đây, số mắc thường tăng cao vào tháng 11 hàng năm với trung bình khoảng 500 ca mắc mỗi tuần (khoảng 70 ca mắc/ngày).
Do đó, dù số ca mắc SXH vào thời điểm hiện tại đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn cả thời điểm đỉnh dịch những năm trước. Người dân vẫn phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng đối phó với dịch đặc biệt nguy hiểm này. Người dân cần hết sức cảnh giác đề phòng mọi khả năng lây lan bệnh ở khu dân sư, nơi làm việc và nơi ở. Các bác sĩ chuyên khoa điều trị cho bệnh nhân mắc SXH cảnh báo người dân thường có tâm lý chủ quan khi thấy số lượng số ca mắc bệnh giảm nhanh. Theo đó, khi thấy số lượng bệnh nhân giảm chưa hẳn đã hết dịch, cần hết sức đề phòng khả năng mắc lại vì một người phải mắc SXH đến 4 lần trong đời với 4 chủng bệnh khác nhau.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tại cả nước đã ghi nhận 152.924 trường hợp mắc bệnh, 30 người tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù bệnh SXH tạm thời khống chế nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay, nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển thì nguy cơ dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp, số mắc gia tăng nếu chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Ngành Y tế cũng như các bộ, ngành liên quan không được chủ quan với dịch bệnh, cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống bệnh SXH không để tư tưởng dịch “bình bình” rồi thở phào và dừng lại./