Cho ý kiến về Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP HCM

(PLO) - Hôm qua (17/2), UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo Đề án thí điểm chính quyền đô thị. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải chủ trì Hội nghị với sự tham dự của đông đảo đại diện nhiều Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Phân cấp mạnh để tăng cường tính tự chủ
Trình bày dự thảo đề án, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM - nhấn mạnh, chính quyền TP.HCM kiến nghị Trung ương phân cấp mạnh để tăng cường tính tự chủ chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền. 
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ mở rộng phân cấp cho chính quyền TP.HCM trên một số lĩnh vực chủ yếu như: Thẩm quyền về tài chính công: phân định rõ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đối với ngân sách trung ương, việc thu - chi theo cơ chế ủy nhiệm, chịu sự giám sát của Trung ương; đối với ngân sách của địa phương, hoàn toàn tự chủ thu - chi và tự chịu trách nhiệm. Tiến tới khắc phục cơ bản cơ chế “xin - cho” trong phân bổ ngân sách. 
Về thẩm quyền về tổ chức bộ máy và cán bộ: bảo đảm tính thống nhất của nền hành chính quốc gia, nhưng không đồng nhất bộ máy điều hành; việc tổ chức bộ máy phải thực sự dựa trên cơ sở nhu cầu về công vụ. Công chức của chính quyền địa phương là công chức địa phương do ngân sách địa phương đài thọ. Chính quyền TP.Hồ Chí Minh được tự chủ trong việc xác định biên chế, cách tuyển chọn, bố trí công việc và chế độ đãi ngộ… Trên cơ sở phân định về công vụ, nhiệm vụ thuộc cấp nào, ngân sách cấp đó đài thọ. 
Địa chỉ trách nhiệm của mỗi cấp rõ ràng. Việc gì địa phương thực hiện tốt hơn, sát thực tế hơn, bảo đảm lợi ích của dân tốt hơn thì phân cấp cho địa phương thực hiện. Về lâu dài, những nội dung trên cần thể chế hóa trong Luật Chính quyền địa phương hoặc Luật Công vụ.
Ngoài cơ chế phân cấp, Đề án còn đề cập đến cơ chế ủy nhiệm/ủy quyền. Đây là cơ chế xác định một số loại công vụ thuộc thẩm quyền của Trung ương nhưng sẽ ủy nhiệm hoặc ủy quyền cho chính quyền TP.HCM thực thi. Thực chất của cơ chế này là cơ chế chấp hành, chính quyền cấp dưới chính là “cánh tay nối dài” của chính quyền cấp trên, chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền cấp trên. 
Phát huy trách nhiệm cá nhân
Theo ông Lê Hoàng Quân, tổ chức lãnh thổ hệ thống đô thị bao gồm khu đô thị trung tâm của thành phố là khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737ha). 
Bên cạnh đó, TP.HCM còn kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cho phép thành phố thực hiện một số cơ chế đặc thù hoặc thí điểm để vận dụng thực hiện nếu trong quá trình triển khai thực hiện (các nội dung của quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt) có những cơ chế chính sách phát sinh chưa được quy định. 
Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân cho rằng TP.HCM sẽ đảm bảo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm, kiến nghị triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị trên toàn địa bàn: Địa bàn đô thị ở 13 quận nội thành, địa bàn đang đô thị hóa của 6 quận và 2 huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh; và địa bàn nông thôn thuộc 3 huyện còn lại. Chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức dựa trên nguyên tắc chủ yếu: Chính quyền địa phương có hai cấp, gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. 
Cấp cơ sở bao gồm cấp thành phố trực thuộc TP.HCM và xã, thị trấn. Riêng địa bàn của 13 quận nội thành chỉ có một cấp chính quyền vì do địa bàn này có chung kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Với các đơn vị hành chính thì quận, huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền, mà ở đó chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên.
Việc tổ chức đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền theo nội dung được phân cấp; bảo đảm tính tập thể trong lãnh đạo, nhưng phát huy cao nhất trách nhiệm của cá nhân được phân công.

Đọc thêm