“Choáng” vì mua bảo hiểm được tặng một chỉ vàng

“Rõ ràng đang có hiện tượng mua thị phần bằng mọi giá – thậm chí là chịu “âm”-   mà một đại lý bảo hiểm nhân thọ không thể thực hiện nếu không có sự hậu thuẫn từ công ty. Cách thức cạnh tranh này quả thực khiến chúng tôi hết sức choáng váng” –  một chuyên gia trong giới bảo hiểm nhận xét.

“Rõ ràng đang có hiện tượng mua thị phần bằng mọi giá – thậm chí là chịu “âm”-   mà một đại lý bảo hiểm nhân thọ không thể thực hiện nếu không có sự hậu thuẫn từ công ty. Cách thức cạnh tranh này quả thực khiến chúng tôi hết sức choáng váng” –  một chuyên gia trong giới bảo hiểm nhận xét.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đã qua 2 tuần nhưng bà K. vẫn chưa hết bất ngờ vì được đại lý bảo hiểm nhân thọ dành tặng hẳn một chỉ vàng, sau bà chịu hủy hợp đồng với công ty cũ và mua hợp đồng mới theo đại lý này.

Theo lời kể của bà K., trước đó bà đã nhận lời tham gia bảo hiểm tại công ty  P. và đã nộp số tiền phí năm đầu tiên là 12 triệu đồng. Tuy nhiên, trong khi chờ hoàn tất thủ tục, bà bất ngờ được một đại lý của một doanh nghiệp bảo hiểm D. tiếp cận, thuyết phục bà rút lại tiền và mua hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp này, mà theo giới thiệu sẽ có nhiều quyền lợi hấp dẫn hơn. Điều đặc biệt, cùng số phí 12 triệu đồng ấy, bà được tặng ngay một chỉ vàng.

Không chỉ bà K. gặp hên, theo tìm hiểu của phóng viên, hình thức “mua bảo hiểm tặng vàng” đang rộ lên trên các địa bàn dọc theo 2 tuyến quốc lộ số 6 và số 3 ở miền Bắc, bao gồm các địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Điều lạ rằng, khi trao đổi với chúng tôi về hình thức này khuyến mãi  gây “sốc” này, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm lại đều khẳng định công ty không hề có chủ trương. Cho nên, vấn đề đặt ra là, nếu doanh nghiệp không có chủ trương mà do đại lý tự ý “đánh lẻ”, thì quyền lợi khách hàng thật ra có được đảm bảo?

“Theo điều khoản bảo hiểm, khách hàng được dành 21 ngày tính từ thời điểm ký hợp đồng để suy nghĩ và quyết định có thực sự muốn tham gia bảo hiểm hay không. Trong thời hạn này, nếu vì lý do nào đó mà không còn muốn tham gia,  khách hàng có quyền lấy lại số tiền phí đã ứng. Nhưng cách thức cạnh tranh này quả thực khiến chúng tôi hết sức choáng váng” –  một chuyên gia trong giới bảo hiểm nhận xét.

Vị này phân tích, theo quy định của Bộ Tài chính, hoa hồng trích cho đại lý dao động trong khoảng 25-30% số phí khách hàng nộp trong năm đầu tiên. Như vậy, trong trường hợp cụ thể của bà K., hoa hồng tối đa mà đại lý doanh nghiệp D. được nhận là 30% của 12 triệu, tương đương 4 triệu đồng. Nếu đại lý tặng khách hàng một chỉ vàng, thời giá hiện nay cũng hơn 4 triệu, chứng tỏ đại lý đang bị “âm” tiền.

“Rõ ràng đang có hiện tượng mua thị phần bằng mọi giá mà đại lý  không thể thực hiện nếu không có sự hẫu thuận từ công ty. Mà trong kinh doanh, không ai cho không ai, doanh thu bảo hiểm cơ bản đều bắt nguồn từ tiền phí của khách hàng, cho nên nếu nói khách hàng gặp hên thì chúng tôi không tin, vì thực ra chỉ là mỡ nó rán nó” – chuyên gia này nhận định.

Theo đó, những khoản lót tay này rồi cũng phải được hạch toán vào chi phí kinh doanh và bên cung cấp dịch vụ rốt cuộc sẽ tìm mọi cách để cân bằng bảng kế toán, mà suy cho cùng, cũng là lấy từ chính túi tiền khách hàng mà thôi.

“Chiến trường” khốc liệt

Chiến trường là từ của một phó giám đốc kinh doanh bảo hiểm dùng để mô tả về thực trạng giành giật trên thị trường bảo hiểm hiện nay. Trao đổi với phóng viên về trường hợp của khách hàng K. doanh nhân này cho hay, trong nghiệp vụ đại lý bảo hiểm, khai thác khách hàng tiềm năng là khâu trọng yếu. Khi đại lý của doanh nghiệp P.  đã thuyết phục được bà K. tham gia bảo hiểm, có nghĩa rằng, khách hàng tiềm năng K. đã trở thành khách hàng bảo hiểm hiện hữu.

Việc bằng một cách nào đó mà đại lý của công ty D. tiếp cận được với khách hàng này có thể gọi đích xác là một sự “nẫng tay trên”. Mà trong trường hợp này, đây là một sự “nẫng tay trên” phạm luật. Vì theo quy tắc bảo hiểm, đại lý không được phép cắt hoa hồng cho khách hàng, chưa nói là chịu “âm” như trường hợp của bà K.

“Rất có thể khách hàng đã bị đại lý đánh vào tâm lý hám lợi trước mắt, mà không tư vấn đúng về bảo hiểm nhân thọ, về những lợi ích cũng như trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm, mà họ sẽ coi bảo hiểm như một trò đánh bạc. Đây chính là điều nguy hại cần phải được nghiêm khắc ngăn chặn, bởi chính điều đó đã và đang bóp méo ý nghĩa của bảo hiểm, làm người dân nhận thức sai lầm về bảo hiểm” – chuyên gia cảnh báo.

Như PLVN đã đề cập trong các số báo gần đây, thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường đang bóp méo ý nghĩa bảo vệ an toàn tài chính của bảo hiểm. Trên thị trường đã xẩy ra rất nhiều trường hợp khách hàng bị bỏ rơi, khách hàng bị dụ dỗ, thậm chí lừa bịp bởi các đại lý làm ăn chụp giựt, bất lương. Vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn, nếu các hành vi này được sự tiếp tay của doanh nghiệp.

Phạm Đức Huy

Đọc thêm