"Choáng" với học phí ĐH

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã quy định các trường phải công bố học phí trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” hàng năm, nhưng dường như rất nhiều trường “quên” vấn đề này…

[links()]Mặc dù Bộ GD-ĐT đã quy định các trường phải công bố học phí trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” hàng năm, nhưng dường như rất nhiều trường “quên” vấn đề này…

Sinh viên "bó tay"?

Theo lãnh đạo của nhiều trường ĐH, năm nay các trường không tăng học phí mà giữ ổn định như năm trước. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần tham khảo kỹ mức học phí trước khi đăng ký vào học để tránh trường hợp vào học rồi mới biết.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ học phí trước khi đăng kí nhập học.

Đối với các trường công lập, vấn đề học phí hầu như được giấu nhẹm. Không chỉ ở các trường phổ thông mới có trường chất lượng cao mà trong các trường ĐH cũng có chương trình chất lượng cao như ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội… So với “chất lượng thường” thì chất lượng “cao” có giá tiền hơn hẳn. Nhưng giá tiền cao liệu chất lượng có cao hơn?.

Đây là câu hỏi không phải những người làm giáo dục nào cũng có thể thẳng thắn trả lời. Và với nhiều chương trình, từ “Chất lượng cao”, “liên kết” đến “quốc tế” nhưng không thấy trường đề cập đến vấn đề học phí ở những chương trình này.

Thêm nữa, Nghị định 49 của Chính phủ về vấn đề học phí có đưa ra mức quy định học phí đối với từng ngành học. Nhưng mức học phí này chỉ áp dụng đối với chương trình đào tạo niên chế. Còn hiện nay, đa số các trường chuyển sang đào tạo tín chỉ. Thay vì gói gọn học phí trong một tháng, một năm thì các trường chia tín chỉ để lấy tiền. Chính vì vậy mới có chuyện, học phí Nhà nước quy định một đằng, sinh viên phải đóng một nẻo.

ĐH Hoa Sen thông báo học phí chương trình tiếng Việt từ 3,5 triệu đến 3,8 triệu/tháng. Tuy nhiên, khi nhập học, SV phải đóng học phí theo tín chỉ. Ngành truyền thông và mạng máy tính là 23,154 triệu đồng/20 tín chỉ tương đương một học kỳ. Với ngành thiết kế đồ họa, số tiền sinh viên phải đóng là 24,579 triệu đồng/20 tín chỉ.

Như vậy, nếu tính theo niên chế, một học kỳ sinh viên chỉ phải đóng từ 17,5 triệu đến 19 triệu. Nhưng tính theo tín chỉ con số này đã đội lên 30%. Ngoài ra, sinh viên thuộc nhóm ngành thi tin học đại cương đầu năm phải đóng học phí tin học dự bị bổ sung với mức là 2,26 triệu đồng.

Điều dễ nhận thấy, dường như, các trường đang dùng tín chỉ để tận thu đối với sinh viên? Và phải chăng, Nghị định 49 đã không còn hợp với thực tế? Đã đến lúc Bộ GD-ĐT nên sớm có hướng dẫn mới, quy định mức trần đối với học phí được tính theo đơn vị tín chỉ như hiện nay.

Là người trong cuộc, TS.Nguyễn Tiến Dũng, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã thẳng thắn thừa nhận chương trình chất lượng cao ở đây không phải chương trình đào tạo tài năng mà chỉ là một dịch vụ đào tạo chất lượng cao. Chỉ tiêu chương trình này nằm trong chỉ tiêu chung, bằng cấp cũng giống với chương trình đại trà.

Cái khác duy nhất chỉ là môi trường và cách thức đào tạo chất lượng tốt hơn. Cụ thể thì đó là lớp học sĩ số thấp, giảng viên từ thạc sĩ, giảng viên chính trở lên mới tham gia giảng dạy. Điều kiện thực hành, thực tập và giáo trình cũng được phục vụ tốt hơn. Chương trình chất lượng cao của trường chủ yếu là thí sinh rớt nguyện vọng 1.

Như vậy, chương trình chất lượng cao ở đây thực tế là chương trình được cung cấp dịch vụ cao hơn, với những sinh viên có khả năng tài chính và đương nhiên mức thu học phí cao vượt trội với mặt bằng chung…

Học phí khủng- 170 triệu đồng/ năm

Mức học phí “khủng” nhất mà nhiều trường ngoài công lập công bố trong tuyển sinh 2013 là ĐH Anh Quốc Việt Nam, mức học phí năm 2013 - 2014 lên tới 170 triệu đồng/năm; ĐH Tân Tạo công bố mức học phí 62.820.000 đồng; ĐH Quốc tế Sài gòn học phí chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt khoảng 4.172.000 - 4.797.800 đồng/tháng; Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh: 10.847.200 - 11.890.200 đồng/tháng.

ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mức học phí đại học: từ 14.980.000 đ đến 17.980.000 đồng/năm. Cao đẳng: từ 13.780.000 đ đến 16.780.000 đồng/năm. Ngành Kiến trúc đào tạo Kiến trúc sư chuyên nghiệp 10 học kỳ gồm 9 học kỳ bình thường và 2 học kỳ hè (4 năm 6 tháng). ĐH FPT công bố mức học phí đại học trọn gói (đã bao gồm chi phí giáo trình, học tập) là 23 triệu đồng/học kì. Toàn bộ chương trình học đại học gồm 9 học kì.

Ngược lại những trường ĐH ngoài công lập nằm ở các vùng có mức học phí khiêm tốn như ĐH Chu Văn An mức học phí ĐH từ 590.000 đến 650.000 đồng/tháng; ĐH Công nghệ Đông Á, mức học phí chính quy hệ ĐH: 700.000 đ/tháng (10 tháng/năm); ĐH Công nghệ Vạn Xuân học phí hệ ĐH: 5 triệu đồng/năm; trường ĐH Công nghệ và Quản lý hữu nghị, học phí đại học: 800.000 đồng/1 tháng; ĐH Dân lập Đông Đô, học phí từ 800.000đ đến 820.000 đồng/tháng. ĐH Dân lập Hải Phòng học phí đại học 990.000 đồng/tháng;

ĐH Lương Thế Vinh học phí đại học: 650.000 đồng/tháng (10 tháng/năm); ĐH Hà Hoa Tiên, mức học phí hệ ĐH là 500.000 đồng/1tháng; ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, học phí: 960.000 đồng/tháng; ĐH Kinh Bắc, học phí đại học: 690.000 đồng/tháng.…

Có thể nói, trong hệ thống trường ĐH, trường ĐH ngoài công lập vẫn là nhóm có mức thu học phí cao nhất. Vậy liệu học phí cao thì chất lượng có xứng đáng? Bởi thực tế, trường ĐH ngoài công lập luôn lấy điểm đầu vào thấp hơn rất nhiều công lập, cơ sở vật chất nhiều nơi tạm bợ, giáo viên chủ yếu là đi thuê. Vì vậy chất lượng đào tạo của khá nhiều trường ĐH ngoài công lập lâu nay bị cho là không xứng với “đồng tiền bát gạo” mà sinh viên bỏ ra.

Theo quy định của Bộ GD- ĐT, các trường ngoài công lập được phép tự quyết định mức học phí nhưng phải thông báo mức thu cho từng năm hoặc cả khóa và phải công khai tài chính trên website. Dư luận cho rằng đây cũng là một kẽ hở rất lớn để các trường… lách luật. Cho phép các trường “tự quyết định học phí” cũng đồng nghĩa với việc các trường ngoài công lập sẽ lợi dụng việc này để muốn thu bao nhiêu thì thu, thậm chí thu học phí… trên trời.

Thực tế cũng cho thấy, không ít sinh viên vào học tại các trường ngoài công lập có mức học phí khủng đã phải nghỉ học giữa chừng không chỉ bởi học phí quá cao mà còn vì học phí tăng liên tục, có trường trong 2 năm tăng học phí đến 2 lần, mỗi lần thêm 2 triệu đồng. Nhiều trường còn “tung hỏa mù” thu học phí năm đầu thấp để thu hút thí sinh nhưng những năm sau liên tục tăng cao khiến sinh viên rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH NCL Trần Hồng Quân cũng thừa nhận, có nhiều trường ĐH NCL chất lượng yếu, vi phạm quy chế dẫn đến mất thương hiệu. Và với sự phát triển của hệ thống ĐH hiện nay, thí sinh có nhiều sự lựa chọn. Nếu các trường ĐH NCL quá phụ thuộc vào áp lực học phí và bỏ ngỏ chất lượng đào tạo, sẽ dẫn đến không thu hút nổi thí sinh, khó cạnh tranh với các trường ĐH công lập.

Uyên Na

Đọc thêm