Chối bỏ Kết luận giám định để né bồi thường?

Để xác định số tiền ông Hồ Thanh Hải “trốn thuế” và “chiếm đoạt”, CQĐT đã 4 lần trưng cầu và cả 4 kết luận giám định đều khẳng định không có chứng cứ xác định Doanh nghiệp tư nhân Bình Hưng và Cty TNHH Hải Bình mua hóa đơn khống để trốn thuế hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng không hiểu sao CQĐT vẫn đi ngược với những kết luận của cơ quan chuyên ngành về thuế nêu trên…

Để xác định số tiền ông Hồ Thanh Hải “trốn thuế” và “chiếm đoạt”, CQĐT đã 4 lần trưng cầu và cả 4 kết luận giám định đều khẳng định không có chứng cứ xác định Doanh nghiệp tư nhân Bình Hưng và Cty TNHH Hải Bình mua hóa đơn khống để trốn thuế hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng không hiểu sao CQĐT vẫn đi ngược với những kết luận của cơ quan chuyên ngành về thuế nêu trên…

Ông Hải cho rằng Cơ quan điều tra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can để né trách  nhiệm bồi thường
Ông Hải cho rằng Cơ quan điều tra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can để né trách nhiệm bồi thường.

Liên tục trưng cầu giám định

Cần khẳng định rằng, trong vụ việc này việc DN Bình Hưng và Cty Hải Bình mua hải sản để chế biến xuất khẩu và bán nội địa là có thật. Ông Hải cho hay, 2 DN này mua bán hải sản với các DN khác dưới dạng “hợp đồng tay 3” - tức là có thêm sự hiện diện của các đại lý, cơ sở có nguồn hải sản. Bên mua hải sản (bên B) sẽ đi cùng bên bán (bên A) xuống các cơ sở, đại lý, chợ đầu mối để cùng tổ chức mua bán (kiểm tra chất lượng, thống nhất giá…).

Một phần tiền hàng sẽ được bên mua trực tiếp thanh toán cho cho cơ sở, đại lý; Phần tiền hàng còn lại chính là khoản chênh lệch giá sẽ được bên mua chuyển cho bên bán. Bên bán có trách nhiệm xuất hóa đơn GTGT cho bên mua và thực hiện giám sát việc chủ cơ sở, đại lý vận chuyển hàng đến giao tại kho bên mua.

Việc ký hợp đồng mua bán trên có thể hiểu là việc “rút gọn” của 2 quan hệ mua bán: Chủ cơ sở, đại lý bán hải sản cho bên A (có lập bảng kê và nộp thuế doanh thu, thuế GTGT); bên A bán tiếp cho bên B và xuất hóa đơn bán hàng. Pháp luật không cấm hợp đồng “tay 3” dạng này và Hội đồng giám định (HĐGĐ) của Tổng cục Thuế cũng nêu rõ: “Việc kê khai thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ bán ra, kê khai thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào trong việc thỏa thuận  phương thức mua bán tay ba, hàng xuất thẳng không qua kho là phương thức mua bán, giao nhận mang tính phổ biến của các đơn vị kinh doanh hàng nông sản, hải sản xuất khẩu…”.

Tuy nhiên, CQĐT lại không chấp nhận hợp đồng “tay ba” như lời khai và chứng cứ do ông Hải cung cấp mà cứ khăng khăng  DN Bình Hưng và Cty Hải Bình đã tự đi thu mua hải sản của các thương lái không có tư cách pháp nhân rồi ký hợp đồng mua bán hải sản “khống” với các doanh nghiệp nhằm “mua” hóa đơn để được khấu trừ thuế, hoàn thuế.

Thế nhưng, quan điểm trên một lần nữa bị phủ định bởi Kết luận giám định (KLGĐ) ngày 20/10/2005 với nội dung “DN Bình Hưng thực tế có hoàng hóa thủy sản mua vào nhập kho và có bán xuất khẩu và bán nội địa (không phải mua khống, bán khống), thực hiện đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ, áp dụng đúng thuế xuất GTGT, hạch toán đúng doanh thu bán ra, đã kê khai nộp thuế đầu vào, đầu ra theo quy định…Do vậy, DN Bình Hưng không có hành vi trốn thuế… DN Bình Hưng là đối tượng được hoàn thuế GTGT”.

Cần dũng cảm nhìn nhận sự thật

KLGĐ là 1 nguồn chứng cứ quan trọng trong việc xác định tội phạm, cần được tôn trọng; đặc biệt nguồn chứng cứ này lại được chính CQĐT trưng cầu, xác định. Nhưng dường như vẫn muốn quy kết tội danh cho các bị can nên CQĐT đã có Quyết định trưng cầu giám định lần 2.

Ngày 2/3/2009, HĐGĐ tư pháp tài chính kế toán (do Bộ Tài chính thành lập) tiếp tục kết luận:“Chưa đủ cơ sở để xác định 223 hóa đơn GTGT của các đơn vị xuất cho Cty Hải Bình là hóa đơn xuất khống. Chưa có cơ sở để xác định ông Hải mua 216 hóa đơn khống để hợp pháp hóa các mặt hàng thủy sản được coi là mua trôi nổi trên ngoài thị trường để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào”; “khi mua hàng hóa thủy sản của các đơn vị, Cty Hải Bình đã trả đủ tiền hàng và tiền thuế cho các đơn vị bán hàng theo hóa đơn. Các hóa đơn bán hàng đều được bên bán kê khai mộp thuế GTGT đúng quy định thì Cty Hải Bình được khấu trừ thuế đầu vào. Qua các khâu kê khai nộp thuế GTGT của cả 2 bên (bên mua và bán) cho thấy, Nhà nước chưa bị thất thu thuế GTGT…”

Đối với DN Bình Hưng, HĐGĐ (Bộ Tài chính) ngày  21/9/2007 cũng nêu rõ: “Việc mua bán hàng hóa giữa DN Bình Hưng đối với 5 cty là có hợp đồng mua bán, có hóa đơn GTGT, có biên bản thanh lý hợp đồng, có kê khai nộp thuế theo quy định…;HĐGĐ chưa có đủ căn cứ xác định việc mua bán hàng hóa nêu trên giữa các đơn vị là mua bán hóa đơn GTGT không có hàng hóa đi kèm”

Không chấp nhận sự thật đã nêu trong 4 bản KLGĐ, một lần nữa, CQĐT lại có Quyết định trưng cầu giám định về thuế đối với Cty Hải Bình và DN Bình Hưng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính đã khẳng định:“Vụ việc đã được giám định lần 2, không thuộc trường hợp giám định lại và không thuộc trường hợp giám định bổ sung” và “các tài liệu do Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cung cấp không có tình tiết mới bổ sung nên lại KLGĐ ngày 21/9/2007 là kết luận chính thức”.

Bị từ chối giám định như trên và cũng không có chứng cứ gì thêm nhưng không hiểu sao, CQĐT vẫn đi ngược lại với KLGT để quy kết ông Hải cùng 1 số người khác trốn thuế và chiếm đoạt hơn 25 tỷ đồng; phải chăng là để né bồi thường?.              

Điều 64. Chứng cứ

1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà CQĐT, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Chứng cứ được xác định bằng: a) Vật chứng;b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; c) Kết luận giám định;d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Điều 73. Kết luận giám định

2. Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do.

Khoa Lâm

Đọc thêm