Bộ Công an trả lời:
Căn cứ các quy định của pháp luật thì hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối và hủy hoại tài sản đều là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, các hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử lý vi phạm hành chính còn tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi (vi phạm hành chính có mức độ nguy hiểm thấp hơn tội phạm).
Việc đánh giá mức độ nguy hiểm của tội phạm và vi phạm hành chính căn cứ những tình tiết cụ thể để đối chiếu với quy định của pháp luật: mức độ gây thiệt hại cho xã hội; mức độ tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; công cụ, phương tiện, thủ đoạn thực hiện tội phạm...
Về căn cứ pháp lý để xử lý đối với từng hành vi nêu trên được quy định như sau:
- Hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối và hủy hoại tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại các Điều 178, 318 và Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Nếu hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối và hủy hoại tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại các Điều 5, 15 và 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.