Chống trục lợi chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Hỗ trợ” lãi suất tạo ra các mặt bằng lãi suất khác nhau và đặc biệt là tạo ra cơ chế “xin - cho” rất khó kiểm soát giữa các ngân hàng thương mại và bên vay. Ai sẽ được hưởng lãi suất rẻ hơn? Đảm bảo tiếp cận công bằng hay không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kỳ họp bất thường của Quốc hội XV đang diễn ra tại Hà Nội. Trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ quyết định hỗ trợ 2%/năm lãi suất, thay vì 4% như đề xuất của Bộ trưởng Tài chính ở Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây gọi là “giải pháp tài khóa”.

Khi thảo luận, đa số nhất trí giải pháp nhưng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo “Kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách”. Các từ “rủi ro” được nhấc lên, đặt xuống.

Rõ ràng “hỗ trợ” lãi suất tạo ra các mặt bằng lãi suất khác nhau và đặc biệt là tạo ra cơ chế “xin - cho” rất khó kiểm soát giữa các ngân hàng thương mại và bên vay. Ai sẽ được hưởng lãi suất rẻ hơn? Đảm bảo tiếp cận công bằng hay không?

Thực tế một khi có việc “xin - cho” thì dễ dẫn đến rủi ro đạo đức, chính sách bị “trục lợi”. Đây là thực tế cần rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD năm 2009 mà hệ lụy của nó là mất người, mất của trong hệ thống ngân hàng đến nay chưa đo lường hết được. Ngoài ra, còn hàng loạt các rủi ro khác như bất ổn vĩ mô, lạm phát, tỷ giá… xung quanh “câu chuyện” hỗ trợ lãi suất.

Cuộc sống đang chứng minh, không ít chính sách đã bị trục lợi. Đại dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều vấn đề như nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... Chỉ riêng chính sách “nhà ở xã hội” thực hiện lâu nay cũng đã bị trục lợi. Thân quen mới được mua, người có nhu cầu ở bao giờ cũng phải nộp thêm tiền. Câu chuyện nóng nhất, gây bức xúc dư luận đó là “Vụ kit test Việt Á”. Đó là vụ việc mới nhất về trục lợi từ chính sách.

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, vừa diễn ra hôm 5/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu đã gợi ý 5 định hướng thì định hướng thứ hai là “tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế”. Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định, năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi và phát triển; nhấn mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Để phục hồi và phát triển, bên cạnh các quyết đáp đúng, trúng rõ ràng phải chống thông đồng và trục lợi chính sách.

Đọc thêm