Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn cung vaccine COVID-19 các quốc gia tiếp cận từ các nước giàu khó khăn thì gặp phải tâm lý “bài xích” vaccine. Điều này đang đặt ra thách thức cho Chính phủ nhiều nước trong việc vận động người dân đi tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây chuyện đang xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Đông Nam Á.
Nguyên nhân là do tin giả, tin trên mạng xã hội, những câu chuyện rỉ tai vô căn cứ. Nhiều người trẻ có học thức cũng trở thành nạn nhân của tin giả. Ngoài tin giả, sự ngần ngại trong việc tiêm chủng còn xuất phát từ việc nhiều người dân muốn chọn vaccine để tiêm. Tại các nước có nguồn cung vaccine hạn chế và chỉ có một lựa chọn duy nhất để cung cấp, nhiều người dân không muốn tiêm chủng vì họ muốn đợi các liều vaccine có hiệu quả cao hơn, giống các loại mà các quốc gia giàu có phương Tây đã tiêm chủng.
Trước tình trạng này, nhiều chính quyền đã phải tung ra các biện pháp vận động dân đi tiêm chủng. Thậm chí, có quốc gia dọa bỏ tù những người không tiêm chủng.
Tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát, nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Cả nước tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca COVID-19 trong nước, trong đó chủ yếu ở TP.HCM.
Để chống COVID-19, Việt Nam kiên trì nguyên tắc “5K + Vaccine”. Cách đây 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1022/QĐ-TTg về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Đối với vaccine sản xuất trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu tháo gỡ ngay mọi khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy trình, nghiên cứu lập tổ hành động với người đứng đầu có đủ thẩm quyền để thúc đẩy sản xuất bằng được vaccine phòng chống COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Nhiều quốc gia trong khu vực “đang kẹt”, rơi vào “bế tắc” khi bùng nổ các ổ dịch do các biến chủng dễ lây lan hơn; tốc độ tiêm chủng chậm chạp vì các nước giàu đã thu gom hầu hết vaccine trong khi biên giới bị đóng cửa do dịch bệnh. Các chuyên gia nhận định, miễn dịch cộng đồng thông qua vaccine là cứu cánh để có thể sớm mở cửa kinh tế trở lại. Điều này đúng với mọi quốc gia. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong lúc dịch bệnh lây nhiễm phức tạp, vaccine luôn có khả năng giúp người được tiêm không bị mắc bệnh hoặc giúp bệnh không trở nặng hoặc dẫn tới tử vong nếu mắc COVID-19.
Rõ ràng, công cuộc “chống địch” COVID-19 còn phải chống “virus tâm lý”, chống phao tin, đồn nhảm, gây hoang mang, nghi ngại. Kinh nghiệm từ các nước là rất quý để chúng ta đồng thuận, đồng lòng đẩy lùi COVID-19.