Chủ đầu tư và đơn vị thi công né tránh trách nhiệm?

Thiệt hại về tài sản của các hộ dân liền kề công trình xây dựng lên đến hàng tỷ đồng nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công đã không chấp nhận đền bù nên các vụ việc phải đưa ra tòa. 

Thiệt hại về tài sản của các hộ dân liền kề công trình xây dựng lên đến hàng tỷ đồng nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công đã không chấp nhận đền bù nên các vụ việc phải đưa ra tòa.     

Tòa nhà Bảo hiểm Bảo Minh tại TP.Cần Thơ.
Tòa nhà Bảo hiểm Bảo Minh tại TP.Cần Thơ.

Nhiều nhà hư hỏng nặng

Theo đơn khởi kiện của Giáo sư Võ Tòng Xuân, có địa chỉ số 6 Phan Văn Trị, phường Phú An, quận Ninh Kiều, liền kề với tòa nhà Bảo hiểm Bảo Minh, công trình này được khởi công từ tháng 5-2010. Ngay từ lúc khởi công với số lượng các khối bê tông cừ rất lớn được tập kết đến chuẩn bị thi công, thì đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhà số 6, tường nhà đã rạn nứt. Đến khi đóng cừ bê tông, xây dựng công trình thì các vết nứt độ nghiêng nhà số 6 tăng dần, hệ thống cống bị tắc thoát nước rất chậm, nhà luôn bị ngập làm hư hỏng các vật dụng ở trệt, hệ thống nhà vệ sinh không sử dụng được.

Trước thực trạng trên, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đến trình báo với UBND phường An Phú, và đã được hướng dẫn nên trao đổi thảo luận với đơn vị thi công để thương lượng bồi thường. Tuy đã được ông Lê Tiến Nhâm đại diện nhà thầu thi công tòa nhà số 8 cam kết sẽ sửa chữa thiệt hại đã gây ra thế nhưng cho đến nay công trình sắp hoàn thành trong khi đó độ an toàn của tòa nhà số 6 đang bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tài sản và con người đang sống tại nhà số 6.

Thực tế, việc thi công tòa nhà Bảo hiểm Bảo Minh đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt nhà dân và trụ sở của nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Mới đây nhất, ngày 8-8-2011 Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) Chi nhánh Cần Thơ tại số 4 đường Phan Văn Trị đã có đơn khiếu nại đến UBND phường An Phú và đơn khởi kiện Bảo hiểm Bảo Minh ra TAND quận Ninh Kiều về việc trong quá trình thi công đã gây làm nghiêng lún nền đất, dẫn đến tình trạng tòa nhà văn phòng của VietABank phát hiện các vết nứt, gãy cột…VietABank cho rằng, việc thi công tòa nhà Bảo hiểm Bảo Minh đã làm cho nhà số 6 của Giáo sư Võ Tòng Xuân bị nghiêng do gãy đứt đà móng nên đã dựa hẳn vào tòa nhà VietABank.

Từ hậu quả của việc bị nghiêng nên ngay tòa nhà của VietABank đã dựa vào tường của nhà giáp liền kề (số 4/2A Lê Lai) gây vết rạn nứt trải dải từ nền đất lên tới tầng hai của ngôi nhà, cụ cột nền móng phần phía sau nhà tầng hai bị đẩy lệch so với vị trí ban đầu, làm cho cấu trúc ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người và thiệt hại về tài sản.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của VietABank, ngày 16-9-2011 đại diện UBND phướng An Phú, BQL dự án Bảo hiểm Bảo Minh, ông Lê Tiến Nhâm – giám đốc dự án và VietABank đã có biên bản ghi nhận hiện trạng của tòa nhà văn phòng VietABank Chi nhánh Cần Thơ.   

Chủ đầu tư và đơn vị thi công né tránh trách nhiệm?

Ngay khi nhận được phản ánh của Giáo sư Võ Tòng Xuân, đơn vị thi công tòa nhà đã nhờ Công ty CP xây dựng 726 đo đạc thiết kế sửa chữa để làm căn cứ sửa chữa công trình nhà số 6. Tháng 3-2011, Công ty CP xây dựng 726 đã dự trù tổng chi phí là hơn 1,671 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền thu nhập thực tế của Giáo sư Võ Tòng Xuân cho Ngân hàng ANZ thuê làm văn phòng đại diện từ năm 2006 với giá 27,6 triệu đồng/tháng. Số tiền này phải được tính từ lúc bị ảnh hưởng cho đến khi nhà số 6 được sửa hoàn chỉnh để cho thuê trở lại.

Tương tự, trong tháng 10-2011 VietABank – Chi nhánh Cần Thơ đã Công ty TNHH Quyết Thắng tại quận Ninh Kiều dự trù kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa tòa nhà văn phòng VietABank. Theo đó, Công ty TNHH Quyết Thắng đã đưa ra hai phương án: Thứ nhất, chỉ sửa chữa công trình thì giá trị dự toán xây dựng sau thuế là gần 125,3 triệu đồng. Phương án thứ hai là sửa chữa nâng cấp xử lý nền móng để chống lún, nứt sau này thì tổng chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ đồng.

Ngay công trình nhà số 4/2A đường Lê Lai đã được Công ty CP tư vấn & xây dựng Trung Nam tại quận Cái Răng đưa ra ba phương án cải tạo. Trong đó, phương án 1 cải tạo không dời trục, lấy theo giá thị trường xây dựng ở Cần Thơ sẽ mất trên 136,3 triệu đồng. Phương án 2 là cải tạo lấy theo giá trị thị trường tại Cần Thơ là hơn 190 triệu đồng. Phương án 3 là xây dựng mới mất khoảng 823,6 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế Bảo hiểm Bảo Minh đã né tránh, thoái thác trách nhiệm bồi thường.

Nói về việc khởi kiện của mình, Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định: Điểm đầu tiên là tôi luôn theo đuổi đạo lý người Á Đông, luôn nghĩ là Công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh gây ra thiệt hại và thực hiện bồi thường, khắc phục hậu quả là sẽ sửa chữa nhà mình, chứ chưa đặt ra vấn đề thiệt hại vì mất điều kiện cho thuê nhà. Nhưng do việc né tránh, thoái thác trách nhiệm của cả chủ đầu tư, đơn vị thi công nên bắt buộc phải kiện ra toàn để đòi lại toàn bộ những thiệt hại về căn nhà và những chi phí liên quan.

Luật sư Nguyễn Kỳ Việt, Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ cho rằng: Việc khởi kiện của giáo sư Võ Tòng Xuân và những người dân bị ảnh hưởng bởi công trình tòa nhà Bảo hiểm Bảo Minh tại TAND quận Ninh Kiều để nhờ cơ quan pháp luật can thiệp, bảo vệ tài sản hợp pháp của mình là hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Việc hoạt động xây dựng, sửa chữa gây ảnh hưởng đến người khác xảy ra như vụ việc đang diễn ra với gia đình giáo sư Xuân là khá phổ biến. Theo LS Việt, khi xem xét thì hội đồng xét xử thường áp dụng điều 608 Bộ Luật Dân sự để xử lý, tức là buộc phía xây dựng (chủ đầu tư) gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra cho các cá nhân và công trình xây dựng kế cận.

Nhóm PV

Đọc thêm