Chủ động để tham mưu tốt trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Dự kiến, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2013. Được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ, cơ quan thường trực của Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo, Bộ Tư pháp đã xác định nhiệm vụ giúp Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm 2012...

Dự kiến, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2013. Được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ, cơ quan thường trực của Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo, Bộ Tư pháp đã xác định nhiệm vụ giúp Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm 2012. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên - người phát ngôn của Ban chỉ đạo - đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về những nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên.

Tạo cơ sở hiến định thúc đẩy đất nước phát triển

Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu rõ chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, xin Thứ trưởng cho biết, những nội dung trong các văn kiện được Đại hội Đảng thông qua cần được thể chế vào Hiến pháp mới như thế nào?

- Có thể nói, trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI có nhiều nội dung  mới có tính tổng kết cao, với tầm nhìn chiến lược định hướng cho sự phát triển của đất nước ta trong thời gian dài. Một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc những chủ trương mới của Đảng để thể chế hoá trong Hiến pháp tạo cơ sở hiến định tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài phỏng vấn, tôi thấy cần cố gắng đạt cho được một số điểm then chốt sau đây:

Thứ nhất, về nguyên tắc tổ chức nhà nước, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định rõ Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo đó, sửa đổi Hiến pháp lần này cần hoàn thiện nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo hướng làm rõ nội dung, chủ thể thực hiện mỗi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và thực hiện cho được sự phân công rõ ràng, rành mạch giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phải xác định rõ trong Hiến pháp: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp xét xử.

Trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp theo hướng có sự giám sát việc thực hiện quyền lực lẫn nhau, tránh cho được sự tuỳ tiện, lạm quyền của các cơ quan nhà nước. Cần tăng cường tính minh bạch, bảo đảm tính độc lập tương đối, làm tăng sức mạnh của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và là cơ sở để kiểm soát các cơ quan trong việc thực hiện các quyền của mình nhằm chống sự lạm quyền, bảo vệ quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.

Nội dung của quyền hành pháp thuộc Chính phủ là thực hiện việc khởi xướng, hoạch định và điều hành chính sách quốc gia; tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; quản lý nhà nước các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm trật tự công; điều hành thống nhất hệ thống hành chính nhà nước; huy động và bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, Đại hội Đảng lần thứ XI khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Vì vậy, vấn đề “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”cần được hoàn thiện theo hướng Hiến pháp cần ghi nhận đầy đủ quyền làm chủ và cách thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với nhà nước bằng các hình thức dân chủ gián tiếp và trực tiếp. Bên cạnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế dân chủ đại diện, rất cần quy định trong Hiến pháp các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân, giúp nhân dân kiểm soát tốt hơn nữa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đã đủ điều kiện để chúng ta xây dựng cơ chế hiến định bảo đảm quyền phúc quyết, quyền được trưng cầu ý dân đối với những vấn đề trọng đại của đất nước.

Thứ ba, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này cũng cần làm rõ, phân biệt quyền con người và quyền công dân (sửa đổi quy định của Điều 50 Hiến pháp); bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người; bổ sung quy định về quyền công dân và quy định nguyên tắc quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế hoặc tạm đình chỉ trong những điều kiện nhất định do luật được Quốc hội ban hành.

Cần thiết đổi mới kỹ thuật lập hiến

Nhiều chuyên gia cho rằng Hiến pháp năm 1992 chưa phù hợp với tính chất của một đạo luật cơ bản, đạo luật gốc và như Thứ trưởng cũng đã từng nói: “Hiến pháp không làm thay vai trò của các đạo luật thông thường”. Vậy chúng ta cần lưu ý gì để Hiến pháp bảo đảm được bản chất của mình và có tính ổn định cao, thưa Thứ trưởng?

- Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh hệ thống pháp luật nước ta chưa hoàn thiện, đặc biệt là thiếu nhiều đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến năm 1991, nước ta có 92 luật, sắc lệnh, pháp lệnh, trong đó có 35 luật chủ yếu tập trung điều chỉnh các lĩnh vực về tổ chức bộ máy, an ninh, quốc phòng.

Trong điều kiện đó, Hiến pháp năm 1992 có nhiều quy định cụ thể có thể nói là lấn sang nhiệm vụ của các đạo luật thông thường, nhất là về kinh tế, xã hội. Các quy định cụ thể, chi tiết trong bản Hiến pháp năm 1992 về chính sách của Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, giáo dục cũng như các quy định cụ thể khác đã phát huy hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cách quy định quá cụ thể của Hiến pháp đã làm cho một số nội dung của Hiến pháp trở nên nhanh chóng lạc hậu với thời gian, không phù hợp với bản chất của Hiến pháp với tư cách là đạo luật gốc, làm suy giảm vị trí tối thượng của Hiến pháp. 

Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta về cơ bản đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh ngày càng sâu rộng các quan hệ phát sinh trong xã hội và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Các luật về tổ chức cũng như các luật điều chỉnh về các quan hệ phát sinh trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... ngày càng được hoàn thiện, tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Các chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội đã được điều chỉnh ngày càng đầy đủ trong các đạo luật chuyên ngành. Đến nay, nước ta có 368 luật, pháp lệnh, điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các luật, pháp lệnh liên quan đến chế độ kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của công dân.

Trong điều kiện hiện nay, cần thiết thay đổi cách xây dựng Hiến pháp, đổi mới kỹ thuật lập hiến để bảo đảm Hiến pháp đúng nghĩa là một đạo luật gốc, có tính ổn định lâu dài. Theo đó, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cần được viết gọn, khái quát, súc tích, đặc biệt là đối với Chính phủ nhằm bảo đảm Chính phủ có thể quản lý bao quát, toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các vấn đề về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng... cũng chỉ nên quy định ngắn gọn, khái quát những chính sách, đường hướng phát triển cơ bản, dài hạn trong các lĩnh vực trọng yếu của đất nước. Các quy định liên quan đến chính quyền địa phương cần viết thật ngắn gọn, súc tích, tập trung vào việc xác định các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, không quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền hay từng cơ quan trong bộ máy chính quyền địa phương.

Một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2012

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong năm 2012 là giúp Chính phủ hoàn thành tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về nội dung của nhiệm vụ này?

- Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phân công, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tiếp tục là đầu mối, chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo thực hiện việc nghiên cứu, đề xuất những vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, bám sát kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp để chủ động đóng góp vào quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Bộ Tư pháp dự kiến thành lập các nhóm nghiên cứu trong Bộ để triển khai các hoạt động nghiên cứu, chủ động xây dựng dự thảo các quy định của Hiến pháp về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương và một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Chính phủ để tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề xuất các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đồng thời giúp Chính phủ trong việc tổ chức thảo luận góp ý của các Bộ, ngành và địa phương cho các Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hoàng Thư (thực hiện)

Đọc thêm