Chủ động giữ nhịp xuất khẩu nông sản trước biến động thương mại toàn cầu

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai các giải pháp nhằm duy trì ổn định sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nguy cơ biến động do chính sách thuế quan của một số quốc gia.
Ảnh minh họa

Ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.

Những năm qua, sản xuất nông lâm thủy sản, nhất là lương thực nước ta luôn ổn định, duy trì được đà tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỷ đô la (là mức cao kỷ lục). Thời gian gần đây, đặc biệt trong thời gian tới tình hình thương mại toàn cầu có thể sẽ có biến động mạnh do thay đổi chính sách thuế quan của một số quốc gia, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nói chung và sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để sản xuất theo hướng bền vững.

Để chủ động ứng phó với các tác động từ bất ổn thương mại, bảo đảm ổn định sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến thương mại toàn cầu, chủ động triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp phù hợp, hiệu quả để chủ động ứng phó với những thách thức do bất ổn thương mại. Cung cấp thông tin kịp thời để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ động có các giải pháp chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với chính sách nhập khẩu, chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu nhằm ổn định sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm để bảo đảm nguồn cung đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, đồng thời phục vụ xuất khẩu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp phù hợp để bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, bền vững, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường để chủ động thích ứng linh hoạt với biến động, nhu cầu mới của thị trường; đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, nhất là đối với các ngành hàng có nguy cơ lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ cao.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên phát triển giống cây, con chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường bảo quản, chế biến sâu các mặt hàng giá trị như tôm, cá tra, trái cây tươi nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan chủ động nghiên cứu phương án hỗ trợ thu mua tạm trữ đối với một số mặt hàng có nguy cơ rớt giá tại thời điểm thu hoạch rộ, nhất là lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạn chế ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.

Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Ngoại giao chỉ đạo tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán với các nước có thị trường tiềm năng để tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các bạn hàng lớn, có các hiệp định FTA với Việt Nam, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, đồng thời triển khai các chương trình kết nối, tổ chức các tuần lễ nông sản, hội chợ hàng Việt để khai thác tiềm năng thị trường trong nước và các thị trường bên ngoài; chủ động có các biện pháp phòng vệ phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu, rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, triển khai các chính sách giãn, hoàn thuế, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật để góp phần giảm chi phí tuân thủ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản trong nước; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế phù hợp, nhất là đối với hàng hóa nông lâm thủy sản chịu tác động do bất ổn thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới thay thế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo duy trì và nghiên cứu mở rộng gói tín dụng ưu đãi đối với ngành nông, lâm, thủy sản; tiếp tục cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo điều kiện bảo đảm công ăn việc làm, sinh kế, thu nhập và đời sống cho người lao động.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình, chỉ đạo bảo đảm sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản tại địa phương; tăng cường kiểm tra, phòng chống gian lận xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm soát chặt việc sử dụng hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe và uy tín nông sản Việt Nam; xử lý nghiêm các hành vi thao túng, gây mất ổn định thị trường.

Doanh nghiệp cần theo dõi chính sách thương mại quốc tế để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi, đầu tư vùng nguyên liệu, kho lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, chủ động thích ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong mùa thu hoạch rộ.

Đọc thêm