- PV: Thưa ông, trong suốt 15 năm xây dựng và trưởng thành, Vụ Pháp luật quốc tế đã khẳng định được vị trí vai trò của mình và để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp. Vậy theo ông, đâu là ấn tượng đặc biệt nhất?
- Vụ trưởng Bạch Quốc An: Hành trình 15 năm xây dựng và trưởng thành của một đơn vị không phải là quá dài. Tuy nhiên, đúng như phóng viên đề cập, là đơn vị được tách ra từ Vụ Pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế - nơi đã đào tạo, rèn luyện và trưởng thành của nhiều chuyên gia pháp luật quốc tế, nhiều người trong số đó đã và đang giữ những trọng trách cao của Bộ và Ngành Tư pháp như nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng và Đặng Hoàng Oanh cùng gần 20 lãnh đạo cấp Cục/Vụ - Vụ Pháp luật quốc tế đã được kế thừa một truyền thống vô cùng quý báu, là sức mạnh tinh thần mạnh mẽ cho các thế hệ tiếp nối. Trong 15 năm qua, cùng với sự phát triển và trưởng thành chung của Bộ, Ngành Tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ giao, trong đó nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng:
Thứ nhất, đó là sự phát triển đáng kể về nhiệm vụ và tổ chức của Vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng
Với sự thay đổi trong tư duy đối ngoại của Đảng ta, chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kỳ đại hội trước, chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện đã đặt ra cho công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp phải có sự chuyển mình mạnh mẽ về chất để có thể giải quyết được những vấn đề pháp lý phức tạp mới phát sinh trong quá trình hội nhập sâu rộng đó. Điều này thể hiện rõ trong sự thay đổi về chức năng nhiệm vụ và tổ chức của Vụ Pháp luật quốc tế.
Cụ thể là: Trên cơ sở Nghị định số 62/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, ngày 05/8/2003, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 335/2003/QĐ-BTP về việc thành lập Vụ Pháp luật quốc tế để giúp Lãnh đạo Bộ xử lý các vấn đề về pháp luật quốc tế và hội nhập quốc tế thuộc phạm vi nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.
Nếu năm 2003, Vụ được giao 12 nhóm nhiệm vụ với 12 công chức bao gồm 3 lãnh đạo Vụ, thì đến nay số nhiệm vụ của Vụ đã tăng lên 18 nhóm nhiệm vụ với 32 công chức bao gồm 4 lãnh đạo Vụ và 4 phòng chuyên môn. Ngoài ra, trong 15 năm qua cũng đã có 5 cán bộ của Vụ Pháp luật quốc tế được bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp Cục/Vụ của các đơn vị trong Bộ.
Có thể nói, sự lớn mạnh của Vụ Pháp luật quốc tế thời gian qua đã thể hiện rõ trong sự ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao của Lãnh đạo Bộ.
Thứ hai, sự tham gia tích cực hơn vào các hoạt động pháp lý quốc tế
Việc Việt Nam gia nhập vào Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, cũng như tham gia Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp (do Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì thực hiện) đã được ghi nhận là các sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp các năm 2012, 2016.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ Cơ quan đầu mối thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị được giao từ năm 2014, Bộ Tư pháp đã chủ trì cùng các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng và nộp lên Ủy ban Công ước Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước ICCPR với khối lượng thông tin đồ sộ, phức tạp sau hơn 16 năm Việt Nam chưa thực hiện nghĩa vụ này.
Đây cũng là Báo cáo quốc gia công ước quốc tế đa phương đầu tiên do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, đánh dấu sự trưởng thành của mảng công tác nhân quyền quốc tế của Vụ Pháp luật quốc tế. Báo cáo này dự kiến được bảo vệ trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc vào tháng 3/2019.
Hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự do Vụ đảm nhận cũng có sự phát triển nhanh chóng. Hiện nay, Vụ đang đảm nhận vai trò Cơ quan Trung ương của 17 Hiệp định song phương và 1 điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp trong những ngày đầu thành lập Vụ chưa tới 1.000 hồ sơ/1 năm, đến nay đã tăng lên trên 4.000 hồ sơ/năm, kết quả thực hiện ngày càng được nâng cao với thời gian rút gọn hơn.
Đồng thời, vai trò của Bộ Tư pháp trong quá trình đàm phán các điều ước quốc tế ngày càng được các bộ, ngành ghi nhận và đánh giá cao. Cán bộ của Vụ đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán các điều ước quốc tế quan trọng của đất nước như đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); các hiệp định trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác; Hiệp định TPP và Hiệp định CPTPP; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU…
Thứ ba, đảm đương ngày càng tốt hơn vai trò “cầu nối” giữa pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước
Là một trong 4 đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ, Vụ Pháp luật quốc tế đã tham gia sâu rộng vào trong công tác xây dựng, thẩm định, góp ý đề án, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài.
Vụ trưởng Bạch Quốc An tại một hội thảo về thực hiện Hiệp định CPTPP |
Vụ đã được giao chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, chủ trì xây dựng Phần 5 Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị quyết 71/2006/QH11 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, Nghị định số 138/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Nghị định số 92/2008/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp; Nghị định số 51/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp ý kiến pháp lý, Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban banh Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế…
Trong suốt 15 năm thành lập và phát triển, với vai trò là đơn vị phụ trách lĩnh vực pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp, Vụ đã tham gia một cách chủ động, tích cực và trách nhiệm vào quá trình xây dựng các đạo luật cơ bản, quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Biển Việt Nam, Luật Đấu thầu, Luật Bưu chính viễn thông, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Điều ước quốc tế và nhiều luật, bộ luật khác.
Đồng thời, Vụ cũng đã hoàn thành tốt việc rà soát các yêu cầu của những điều ước quốc tế quan trọng như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, các cam kết trong quá trình gia nhập WTO, Hiệp định CPTPP với pháp luật Việt Nam để từ đó kiến nghị việc hoàn thiện pháp luật phục vụ cho thực thi các cam kết quốc tế.
Tóm lại, có thể nói trong công tác xây dựng pháp luật, Vụ có vai trò bảo đảm sự tương thích của các văn bản quy phạm pháp luật với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Ngược lại, trong công tác pháp luật quốc tế thì Vụ có nhiệm vụ bảo đảm các cam kết quốc tế của Việt Nam không xung đột với pháp luật trong nước và nếu có xung đột thì đề xuất giải pháp xử lý.
Thứ tư, từng bước bảo vệ tốt hơn lợi ích của Chính phủ trong các quan hệ tư pháp quốc tế
Chỉ tính từ năm 2008 đến tháng 6/2018, Vụ Pháp luật quốc tế đã cấp 554 ý kiến pháp lý. Qua công tác cấp ý kiến pháp lý, Vụ đã góp phần đáng kể vào việc bảo đảm yếu tố pháp lý của các giao dịch; rà soát, đánh giá sự phù hợp về mặt pháp lý của toàn bộ quy trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, các văn kiện thỏa thuận vay vốn nước ngoài và bảo lãnh Chính phủ với pháp luật trong nước; bảo đảm tối đa các quyền và lợi ích của phía Việt Nam, giảm thiểu các rủi ro về mặt pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam.
Với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ Việt Nam trong các vụ kiện đầu tư quốc tế, Bộ Tư pháp đã từng bước đảm đương tốt nhiệm vụ mới và phức tạp này. Vụ Pháp luật quốc tế đã giúp Bộ chủ trì, đại diện pháp lý cho Chính phủ trong gần 10 vụ tranh chấp giữa Nhà nước Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý nhiều vụ tiền tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tranh chấp giữa cơ quan nhà nước ở địa phương với nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, kết quả của công tác này là khá ấn tượng và đã được Bộ Tư pháp ghi nhận là một trong các sự kiện nổi bật của Ngành trong năm 2014.
-Vụ có gặp khó khăn, hạn chế gì trong hoạt động của mình không, thưa ông? Để tiếp tục tiến bước trong chặng đường phát triển tiếp theo, Vụ Pháp luật quốc tế sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu gì?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn thừa nhận công tác pháp luật quốc tế vẫn còn những hạn chế nhất định. Trước hết, so với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, Bộ, Ngành Tư pháp thì công tác pháp luật quốc tế vẫn còn chưa đạt được như mong muốn. Các nguồn lực cho công tác pháp luật quốc tế còn hạn chế, sự quan tâm và nhận thức về vai trò của pháp luật quốc tế mới đang từng bước được nâng lên. Đối với Vụ Pháp luật quốc tế, cần thẳng thắn thừa nhận là đội ngũ cán bộ của Vụ còn mỏng, thiếu chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế, pháp luật thương mại và hội nhập quốc tế.
Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, Vụ Pháp luật quốc tế sẽ đối mặt nhiều hơn với những thách thức, khó khăn. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các công tác, nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ tin tưởng giao phó, trong thời gian tới, Vụ xác định cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Một là, xây dựng Vụ Pháp luật quốc tế trở thành đơn vị đủ năng lực xử lý các vấn đề về pháp lý quốc tế thuộc nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, qua đó nâng cao vị thế, vai trò và hình ảnh của Vụ, Bộ, Ngành trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn của Việt Nam gắn với quá trình cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Hai là, xác định rõ định hướng phát triển của Vụ Pháp luật quốc tế là cần tập trung vào những công tác được giao giúp Bộ trưởng chủ trì như công tác điều ước quốc tế; đảm bảo vai trò cơ quan chủ trì trong việc thực hiện các điều ước quốc tế và tham gia các tổ chức pháp lý quốc tế; tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp về dân sự; thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì, đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế;
Ba là, với vai trò là một đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp, Vụ cần nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế;
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, đủ về số lượng, thông thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tiến tới hình thành đội ngũ chuyên gia pháp luật quốc tế ở những lĩnh vực cụ thể của pháp luật quốc tế, từng bước hướng tới trở thành trung tâm về tư pháp quốc tế của Chính phủ.
Để tiếp tục phát huy và kế thừa truyền thống của đơn vị, Vụ Pháp luật quốc tế nhận thức rằng tập thể cán bộ, công chức của Vụ cần phải đoàn kết, quyết tâm, chủ động, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm hơn nữa để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Những người làm công tác pháp luật quốc tế thế hệ hiện nay sẽ nỗ lực hết mình để tiếp bước và phát huy hơn nữa những thành tựu, giá trị mà thế hệ đi trước đã xây dựng.
- Trân trọng cảm ơn ông!