Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cúm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước tình hình cúm A diễn biến phức tạp với nhiều ca nặng, ngày càng nhiều người dân chủ động phòng ngừa căn bệnh phổ biến này, thay vì chủ quan như trước.
Số ca nhập viện do cúm A có xu hướng gia tăng ở mọi lứa tuổi. (Ảnh: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương)
Số ca nhập viện do cúm A có xu hướng gia tăng ở mọi lứa tuổi. (Ảnh: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Ca nhập viện do cúm có xu hướng gia tăng

Gần đây, các bệnh viện khu vực phía Bắc ghi nhận số ca nhập viện do cúm A có xu hướng gia tăng ở mọi lứa tuổi. Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn mùa đông - xuân hiện nay là thời điểm thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như cúm mùa, sởi, sốt phát ban... Số ca cúm tăng cao tại các bệnh viện lớn có thể liên quan đến việc di chuyển nhiều và thay đổi điều kiện sinh hoạt trong dịp Tết vừa qua.

Đáng lo ngại, nhiều ca cúm nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, bệnh diễn biến nhanh và có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Tại TP Hà Nội, nhiều bệnh viện lớn đang điều trị cho bệnh nhân mắc cúm nặng, trong đó có trường hợp phải can thiệp ECMO để hỗ trợ sự sống.

Đơn cử như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho 6 ca nhiễm cúm A nặng và rất nặng từ các tuyến chuyển lên. Trường hợp nặng nhất bệnh nhân phải can thiệp ECMO - tim phổi ngoài lồng ngực do cúm A biến chứng dẫn đến phổi bị tổn thương lan toả 2 bên. Dù đã được điều trị tích cực, thở máy và hết sốt, nhưng sau 3 ngày, bệnh nhân lại sốt cao trở lại, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, dẫn đến sốc nhiễm trùng và suy hô hấp nghiêm trọng.

Bên cạnh người cao tuổi và người có bệnh nền, trẻ nhỏ mắc cúm cũng có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 ca mắc cúm, trong đó nhiều trường hợp có biến chứng phải nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, Bệnh viện đã tiếp nhận một số trẻ bị biến chứng viêm não do cúm, như hiện tại là một bệnh nhi 12 tuổi, tiền sử khỏe mạnh nhưng mắc cúm và biến chứng thành viêm não. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều bệnh nhi mắc cúm nặng cũng đang được điều trị, một số gặp biến chứng viêm phổi, viêm não, phải thở máy và nằm viện kéo dài.

Đánh giá về những trường hợp diễn biến nặng sau mắc cúm, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm như tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, những người có bệnh nền, người cao tuổi và những người suy giảm miễn dịch cần đặc biệt thận trọng khi nhiễm cúm. Ngoài ra, còn nhiều người vẫn chủ quan, cho rằng cúm chỉ là bệnh nhẹ nên không đi khám sớm. Đến khi bệnh trở nặng mới nhập viện thì đã trong tình trạng nghiêm trọng, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.

Thay đổi trong nhận thức của cộng đồng

Trước tình hình cúm mùa diễn biến phức tạp với nhiều ca nặng tại khu vực phía Bắc, ngày càng nhiều người dân chủ động phòng ngừa căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm này. Một trong những biện pháp được nhiều người lựa chọn là tiêm vaccine phòng cúm. Theo thông tin từ Hệ thống tiêm chủng VNVC, ngày 9/2, số người đến tiêm vaccine cúm đã tăng hơn 500% so với ngày thường và tiếp tục có xu hướng gia tăng, trong đó gần 50% là người cao tuổi.

Sau thời gian đọc tin tức về nhiều ca biến chứng nặng do cúm, anh H.Chung (28 tuổi, Hà Nội) quyết định đưa cả gia đình đi tiêm vaccine cúm để bảo vệ sức khỏe cho mọi người. “Bố mẹ tôi đều có bệnh nền, tôi lo ngại nếu không may họ mắc cúm, sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên đưa cả nhà đi tiêm luôn. Có vẻ như nhiều người cũng có lo ngại giống tôi nên lượng người đến tiêm rất đông. Khi thấy mọi người ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm chủng, tôi cảm thấy an tâm hơn về việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong mùa cúm cao điểm này”, anh Chung chia sẻ.

Có thể thấy, nếu như trước đây với tâm lý coi cúm là bệnh “xoàng” nên việc tiêm vaccine phòng cúm không được nhiều người quan tâm thì giờ đây số người tiêm loại vaccine này gia tăng nhanh chóng. Đây là một trong những dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh nhiều bệnh như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng có xu hướng gia tăng vào mùa xuân.

Bên cạnh biện pháp vaccine, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cũng cần chú trọng đến các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay và vệ sinh mũi họng hằng ngày. Mỗi người cũng nên giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, với người mắc bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tự mua thuốc điều trị hay điều trị bằng mẹo dân gian vì điều này có thể khiến bệnh trở nặng.

Đọc thêm