Theo đó, Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định 123 hướng dẫn Luật đã quy định người từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau phải có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Nếu không chứng minh được, UBND phường nơi đăng ký thường trú cuối cùng sẽ gửi văn bản đề nghị những nơi người này từng đăng ký thường trú xác nhận về khoảng thời gian người này cư trú tại đó.
Thông tư 15/2015/TT-BTP đưa ra thêm một “cửa” nữa là nếu quá hạn mà không nhận được văn bản trả lời của các cơ quan được hỏi thì mới cho người dân được cam kết.
Đáng chú ý, qua công tác thanh tra còn thấy, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn tại UBND, cán bộ tư pháp của UBND xã, phường còn “đẻ” thêm thủ tục, yêu cầu công dân phải đi về những nơi cư trú trước đây để xin xác nhận tình trạng hôn nhân. Cán bộ công chức tư pháp xã, phường lại lý giải muốn làm chặt chẽ bởi nếu quá tin tưởng giấy cam đoan do công dân xuất trình hoặc thiếu kiểm chứng... sẽ rất khó kiểm soát, không bảo đảm được quyền lợi cho những đứa trẻ về sau, nhất là quyền được khai sinh, quyền thừa kế.
Vì vậy, địa phương liên tục gửi công văn đến Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) để có thông tin về tình trạng hôn nhân của các công dân khi muốn kết hôn với người nước ngoài mà phổ biến hiện nay là Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Hàn Quốc liên quan đến việc xác nhận và cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Đại sứ quán chỉ được cấp giấy xác nhận này khi công dân Hàn Quốc có yêu cầu.
Tương tự, Đại sứ quán Trung Quốc cũng không có thẩm quyền xác minh tình trạng hôn nhân của công dân Trung Quốc. Công dân Trung Quốc có thể đến cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc để chứng nhận tình trạng hôn nhân và làm các thủ tục liên quan. Từ đó, Bộ Tư pháp không thể có thông tin về tình trạng hôn nhân của các trường hợp mà địa phương muốn trao đổi.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền đăng ký hộ tịch, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn UBND cấp xã nơi người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chủ động xác minh trực tiếp tại địa phương (thông qua tổ trưởng dân phố, trưởng ấp/xóm hoặc các tổ chức, đoàn thể địa phương…) để nắm thêm thông tin về tình trạng hôn nhân thực tế của công dân.
Sau đó, yêu cầu công dân có văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 15/2015/TT-BTP và thực hiện việc cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân theo quy định.