Chủ hộ phải mua lại đất của… chính mình?

Một phần diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án được chia nhỏ phân lô bán nền. Người dân nói việc làm đó là không đúng pháp luật, và họ phải mua lại đất tái định cư với giá “quá chát” so với tiền hỗ trợ bồi thường mà mình nhận được. Cơ quan chức năng thì có cách giải thích khác…

Một phần diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án được chia nhỏ phân lô bán nền. Người dân nói việc làm đó là không đúng pháp luật, và họ phải mua lại đất tái định cư với giá “quá chát” so với tiền hỗ trợ bồi thường mà mình nhận được. Cơ quan chức năng thì có cách giải thích khác…

Phần đất bị thu hồi đã được phân lô bán nền

Tháng 8/2000, Phó thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 801 thu hồi 459.628,1m2 đất (không kể diện tích đất quốc phòng trong ranh giới dự án), trên địa bàn 5 phường thuộc 2 quận Hải Châu và Thanh Khê để thực hiện dự án tuyến đường Liên Chiểu – Thuận Phước và chỉnh trang đô thị (giai đoạn 1) tại Tp. Đà Nẵng. Toàn bộ diện tích đất thu hồi được giao cho Ban quản lý dự án quốc lộ 14B. Quyết định 801 cũng yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng có trách nhiệm chỉ đạo lập các dự án đầu tư trong diện khai thác quỹ đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước.

Trong đơn phản ánh gửi đến Báo Pháp luật Việt Nam, nhiều hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất cho biết, muốn “nhận được sự quan tâm, chia sẻ” bởi có nhiều vướng mắc và thua thiệt cho họ khi dự án được triển khai. “Đất của chúng tôi bị thu hồi và sau đó chúng tôi lại phải mua đất của chính mình trước đó bằng việc tái định cư tại chỗ với mức giá cao”, đơn của nhiều hộ dân, cho biết.

“Đơn cử, các trường hợp như bà Trần Thị Thu Hương, ông Trần Văn Minh, Trương Thanh Xuân là những hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án. Theo đó, sau khi Tp. Đà Nẵng tiến hành thu hồi 345 m2 đất, hộ bà Hương được đền bù 188 triệu đồng và được tái định cư trên diện tích đất 125 m2 với đơn giá phải trả là hơn 3,4 triệu/m2. Đối với trường hợp ông Minh, với tổng diện tích đất bị thu hồi là 95,4 m2, chủ hộ này được đền bù 87 triệu đồng và được mua 125m2 tái định cư với giá hơn 3,4 triệu/m2. Ông Trương Thanh Xuân bị thu hồi 293,5 m2 và được mua tái định cư tại chỗ 125 m2”.

Ngoài ra, đơn phản ánh của người dân cho hay, nhiều lô đất bị thu hồi theo như tinh thần của Quyết định 801, sau khi trừ phần tái định cư cho chủ hộ bị thu hồi thì  phần đất còn lại đã bị “phân lô, bán nền” cho người khác. “Dù tuyến đường đã hoàn thành, nhưng đến nay do chưa giải quyết thoả đáng quyền lợi nên chúng tôi vẫn chưa nhận tiền bồi thường và đất tái định cư”, đơn của bà Hương, cho biết.

Lý giải việc thu hồi đất của dân nhưng sau đó tiến hành “phân lô, bán nền”, phía Tp. Đà Nẵng cho rằng đã căn cứ vào quyết định 801 khi Chính phủ yêu cầu “chỉ đạo việc lập các dự án đầu tư trong diện tích khai thác quỹ đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất”.

Không chấp nhận cách giải thích này, kiến nghị của người dân sau đó được gửi ra các cơ quan trung ương. Sau đó, Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ vào cuộc xác minh, tuy nhiên, những “phán quyết” cuối cùng của các đơn vị này đã vấp phải sự không đồng thuận của chính những hộ dân làm đơn kiến nghị.

Bởi, trong khi văn bản trả lời của Tp. Đà Nẵng với người dân đều “không chấp nhận đơn khiếu nại”, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng “hoàn toàn” đồng ý với kết quả giải quyết sự việc từ kết quả trả lời của Tp. Đà Nẵng khi bộ này cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại của chính quyền thành phố là “phù hợp với quy định của pháp luật”. Và đến lượt mình, các căn cứ để trả lời thắc mắc của người dân, Thanh tra Chính phủ cũng “dựa” vào trả lời của UBND Tp. Đà Nẵng và kết quả trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc kết quả trả lời sau “dựa” vào kết quả trả lời trước, đã dẫn đến tính trạng cho đến nay, những bức xúc từ phía người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Như Trang – T.Tuyền

Đọc thêm