Chủ nghĩa “chắp vá”

(PLVN) - Tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 ngày 5/7, một lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, một trong số nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án Cát Linh - Hà Đông thuộc về khâu thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán chậm. 
Một đoạn dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Điều này theo ông là do Bộ Giao thông Vận tải cho phép thiết kế kỹ thuật từng phần theo tiến độ, gây chắp vá, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, chưa kể có thể có rủi ro về chất lượng.

16 năm thi công một dự án chỉ 13 km chưa xong, có lẽ đây là dự án của sự hổ thẹn. Không như kỳ vọng ban đầu, dự án góp phần giải quyết ách tắc giao thông nội đô Hà Nội, bây giờ dân chỉ hỏi nhau, bao giờ dự án hoàn thành để giải tỏa được “uất nghẹn”? Các quan chức Bộ GTVT chắc không dám trả lời, bởi họ trả lời như “đinh đóng cột mục” đã quá nhiều lần.

Tại cuộc họp, Trưởng đoàn kiểm toán Dự án này cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đội vốn. Cụ thể, quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn đến tình trạng thay đổi phương án, làm tăng chi phí; bổ sung khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi chỉ giới mặt bằng khu nhà ga, bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ kéo dài dẫn đến chi phí nhân công, vật liệu tăng cao. Ngoài ra, khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư chưa xem xét về chi phí vận hành, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác. Điều này dẫn đến đánh giá tính hiệu quả của dự án không chính xác. 

Có lẽ, cuộc họp báo của KTNN gây cơn “địa chấn”, dẫu từ lâu người ta đã biết lờ mờ, chỉ chưa biết đến con số cụ thể. Đối với PVN, KTNN cho hay, 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí của Tập đoàn này không thành công, đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án, với tổng chi phí 773 triệu USD.

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nói chung, trong đó có các đơn vị trực thuộc PVN, không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu; nhiều khoản đầu tư, góp vốn thua lỗ.

Câu chuyện PVN đầu tư ra nước ngoài và đổ bể thực ra là kết quả đương nhiên của một thời kỳ “lên đồng” tập thể về “hội chứng” tập đoàn. Xin – cho “đa ngành” để lên Tập đoàn, đi xe biển xanh, hệ số lãnh đạo Tập đoàn cao hơn Tổng công ty, Tập đoàn được ký tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc... Tóm lại là rất oai. 

“Chắp vá” về tư duy và hành động. Dự án “chắp vá” chưa nguy hiểm bằng “chắp vá” về tư duy, dẫu trong cả 2 trường hợp đều gây hậu quả lớn cho đất nước. Đấy là bài học vô cùng đau đớn. Có điều không biết, điều đó có góp phần “thức tỉnh”? 

Đọc thêm