“Chủ nghĩa đội vốn“

(PLO) - Thời gian gần đây, trên báo chí đưa tin về tình trạng “đội vốn” ở các công trình xây dựng cơ bản khắp các tỉnh, TP trong cả nước. 
Dự án nạo vét sông Sào Khê sau 17 năm vẫn bị chậm tiến độ. Ảnh: Lao Động

Nghe được, biết được, không ai không sốt cả ruột. Hôm qua biết thêm khi Kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại TP Hải Phòng giai đoạn 2010-2017 vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành cho thấy hàng chục dự án “đội vốn” đầu tư, có dự án “đội” lên hàng nghìn tỉ đồng ở địa phương này.

“Dã man” nhất có lẽ là dự án Sào Khê - Ninh Bình “đội vốn” 36 lần: chi phí điều chỉnh từ 72 tỉ đồng ở mức ban đầu lên con số gần 2.600 tỉ đồng. Và còn nữa, thậm chí người ta còn dự báo được “đội vốn”.

Ví dụ, tại một hội thảo gần đây về sân bay Long Thành, có người khẳng định luôn: Nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỉ USD thay vì 5,4 tỉ USD như dự tính hiện nay.

Như vậy, “đội vốn” không chỉ là chuyện hôm qua, hôm nay mà hình như sẽ là chuyện muôn đời sau ở đất nước ta? Điều đáng lo lắng là việc này thường chỉ bộc lộ ra trong quá trình triển khai thực hiện, đặt Chính phủ vào tình thế “lỡ phóng lao phải theo lao”, buộc lòng phải chấp thuận cho phép tăng vốn đầu tư, cho kéo dài thời gian thực hiện, cho dù hiệu quả đầu tư đã suy giảm rất nhiều so với tính toán ban đầu. Thậm chí, với các tính toán thực tế về hiệu quả đó, nếu được minh bạch ngay từ đầu thì chưa chắc dự án đã được duyệt.

Nguyên nhân vì sao? Tất nhiên, có nguyên nhân rất đáng yêu được khắp nơi giải thích khi bị phát hiện, chất vấn “nhìn không ra”, “thiếu kinh nghiệm”.

Ai cũng nhận ra, dù câu trả lời là gì đi chăng nữa và dù không phải do tham nhũng “ẩn nấp” thì hậu quả của việc công tác chuẩn bị một dự án được làm sơ sài, kém chất lượng cũng để lại hậu quả rất lớn cho bản thân nó và cả nền kinh tế.

Ba chữ “thiếu kinh nghiệm” thoạt nghe thì thấy nhẹ nhàng nhưng hậu quả mà nó để lại thì vô cùng nặng nề. Nó không chỉ làm vốn đầu tư “đội” lên rất lớn, mà còn khiến cho việc thực hiện dự án bị kéo dài làm đảo lộn mọi tính toán về hiệu quả đầu tư và góp phần làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ cho quốc gia.

Dư luận thắc mắc, đó là vì sao những hồ sơ dự án kém chất lượng, bị “đội vốn” rất lớn trong quá trình triển khai và phải kéo dài thời gian thực hiện thường chỉ rơi vào những công trình sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước hoặc có chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước? 

Chúng ta hầu như không thấy dự án đầu tư của tư nhân gặp phải những vấn đề tương tự như vậy. Thậm chí rất nhiều dự án đầu tư theo hình thức BOT còn được cơ quan quản lý nhà nước “hào phóng” duyệt dự toán tổng mức đầu tư cao hơn nhiều so với thực tế, nhà đầu tư vẫn “lãi ròng” cực lớn. Đối với các dự án đầu tư BT thì “nhà đầu tư” được đổi bằng đất cực lớn. 

Đây là sự khác biệt, nguyên nhân lại nằm trong “bóng tối”, chưa biết đến bao giờ bị lôi ra “xử lý”? 

Đọc thêm