Chủ tịch Hiệp Hội Bất Động sản TP Cần Thơ : Cần Thơ hội tụ đầy đủ các yếu tố để thị trường BĐS phát triển mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cần Thơ là vị trí trung tâm, chiến lược của khu vực ĐBSCL. Với sự quan tâm và đầu tư từ các nguồn lực Trung ương và địa phương, tin tưởng rằng TP Cần Thơ sẽ có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển về mọi mặt, đặc biệt là thị trường bất động sản (BĐS). Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực này, Báo PLVN đã phỏng vấn ông Dương Quốc Thủy – Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Cần Thơ.

PV: Thưa ông, với góc nhìn của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) thành phố, ông đánh giá thế nào về thị trường BĐS của Cần Thơ thời gian gần đây, nhất là sau khi địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19?

Ông Dương Quốc Thủy: Thị trường BĐS cả nước đã có tín hiệu nhộn nhịp trở lại từ những tháng cuối năm 2021. Riêng các tỉnh miền Tây lạc quan hơn với các thông tin tích cực về cơ sở hạ tầng, như chính thức thông xe cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tiến độ cầu Mỹ Thuận 2 đã đạt khoảng 40% và khởi công Cầu Rạch Miễu 2. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư FDI và tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2021 của các tỉnh khu vực ĐBSCL tăng trưởng tích cực đã tác động nhiều đến thị trường BĐS. Các giao dịch ở một số dự án có mức giá trung bình vẫn nhộp nhịp như: sản phẩm căn hộ chung cư dưới 1 tỷ - dưới 2 tỷ, sản phẩm đất nền gần khu công nghiệp dưới 1 tỷ, nhà phố xây sẵn giá hơn 2 tỷ… Nhiều chủ đầu tư ban hành tăng giá bán từ 5-10% kể từ quý I/2022, một số dự án dự kiến tăng đến 15% vào quý II. Điều đó cho thấy các chủ đầu tư đã nhận định được nhịp tăng trở lại của thị trường, khi nhu cầu mua ở và đầu tư vẫn duy trì. Năm 2021, tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 40% (nguồn cung). Năm 2022 dự kiến thanh khoản sẽ nhanh và dễ dàng hơn.

Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Cần Thơ cho biết, Đô thị hóa và cơ sở hạ tầng giao thông chính là động lực của thị trường BĐS, Cần Thơ đang có cả hai yếu tố này.

Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Cần Thơ cho biết, Đô thị hóa và cơ sở hạ tầng giao thông chính là động lực của thị trường BĐS, Cần Thơ đang có cả hai yếu tố này.

PV: Nhiều người đánh giá, Cần Thơ là thị trường tiềm năng cho việc đầu tư BĐS trong thời gian sắp tới, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Ông Dương Quốc Thủy: Đô thị hóa và cơ sở hạ tầng giao thông chính là động lực của thị trường BĐS, Cần Thơ đang có cả hai yếu tố này. Tỷ lệ đô thị hóa 70%, cao nhất vùng, là địa phương thu hút đầu tư đứng thứ 2 cả nước (năm 2021) chỉ sau tỉnh Long An với nhiều dự án FDI và hưởng lợi từ nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông khác, trong đó có tuyến Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Toàn tuyến cao tốc này hoàn thành đúng tiến độ năm 2023 thì chắc chắn thị trường BĐS Cần Thơ sẽ là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư cả nước bằng cả đường hàng không và cao tốc. Câu chuyện đi đến làm việc và ở lại an cư lập nghiệp tại Cần Thơ đối với những chuyên gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước sẽ không còn là chuyện khó khăn, theo đó các dòng vốn đầu tư chắc chắn sẽ tiếp tục “đổ bộ” về Cần Thơ.

Diện mạo TP Cần Thơ không ngừng đổi thay, phát triển

Diện mạo TP Cần Thơ không ngừng đổi thay, phát triển

PV: Cần Thơ hiện đang được đầu tư nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng, mang tính liên kết. Theo ông, những công trình này sẽ tác động như thế nào đối với thị trường BĐS Cần Thơ?

Ông Dương Quốc Thủy: Về các tuyến cao tốc vĩ mô thì Cần Thơ được hưởng lợi từ 2 tuyến cao tốc lớn trục dọc và trục ngang liên kết toàn vùng ĐBSCL. Đó là Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau (thời gian hoàn thành toàn tuyến dự kiến năm 2023) và Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (Cảng Trần Đề) quy mô khoảng 45.000 tỷ, thời gian thi công tối thiểu 3 năm. Hai tuyến cao tốc này hoàn thành vào năm 2025-2026 thì chắc chắn tầm vóc của Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL sẽ nâng lên vị thế mới, kinh tế ĐBSCL sẽ khởi sắc, đời sống người dân theo đó cũng thịnh vượng hơn. Và đô thị hóa tới đâu thì chắc chắn giá trị BĐS sẽ gia tăng tới đó.

Ngoài ra, UBND TP quy hoạch khu kinh tế, dịch vụ trung tâm logistics hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao hơn 10.600ha trên địa bàn quận Ô Môn, Bình Thủy, Phong Điền… sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phát triển ngành logistics hàng không cho cả khu vực.

Về các dự án giao thông nội tỉnh, năm 2021, UBND TP Cần Thơ giao thực hiện đầu tư 16 dự án trong đó, có 8 dự án trọng điểm. Đó là các dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C); dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 923; dự án cầu Cờ Đỏ trên Đường tỉnh 919, huyện Cờ Đỏ; dự án cầu Tây Đô, huyện Phong Điền; dự án trục đường hẻm 91 (đoạn Long Tuyền - đường Vành đai phía Tây thành phố); dự án nâng cấp, cải tạo 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn TP Cần Thơ; dự án đầu tư xây dựng đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, Cần Thơ với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang); dự án nâng cấp, mở rộng đường nối TP Vị Thanh (Hậu Giang) với Cần Thơ.

Các dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối nội tỉnh của Cần Thơ và kết nối với các địa phương trong vùng. Việc hoàn thiện mở rộng mạng lưới giao thông sẽ phát triển đồng đều giữa các khu vực, phát huy lợi thế kinh tế của các quận huyện, thúc đẩy đô thị hóa và nâng tầm giá trị bất động sản các địa phương thuộc TP Cần Thơ và vùng lân cận.

Bên cạnh đó năm vừa qua TP cũng thu hút nhiều tập đoàn kinh tế đa ngành về nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực BĐS, như Tập đoàn T&T, Tập đoàn Sovico và Tập đoàn Hòa Phát. Chắc chắn trong thời gian tới TP sẽ đón nhận thêm “dấu chân” của các tập đoàn lớn về đầu tư phát triển thành phố trên nhiều lĩnh vực, trong đó BĐS Cần Thơ tiếp tục là thị trường đầu tư tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.

Một góc TP Cần Thơ

Một góc TP Cần Thơ

PV: Theo ông, những khó khăn, trở ngại gì đang đặt ra đối với thị trường BĐS Cần Thơ?

Ông Dương Quốc Thủy: Các tỉnh thành miền Tây trong đó có Cần Thơ, đã vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên có thể ví nền kinh tế như vừa trải qua một trận ốm kéo dài, nên cần có thời gian để hồi phục sức khỏe; nhà đầu tư cũng thận trọng hơn khi lựa chọn các kênh đầu tư trước tình trạng lạm phát. Điều đó có thể sẽ khiến thanh khoản của thị trường không có sự đột biến trong ngắn hạn, và những sản phẩm giá bán cao cũng sẽ giao dịch chậm. Nhà đầu tư có xu hướng sở hữu những sản phẩm có tính an toàn cao như đất nền sổ đỏ hoặc các sản phẩm nhà xây sẵn có giá bán hợp lý.

Các chuyên gia tài chính cũng đưa ra nhận định, trong thời gian tới các doanh nghiệp BĐS sẽ gặp khó về nguồn vốn, nhất là các đơn vị quy mô nhỏ, mới thành lập; do đó thị trường sẽ cạnh tranh gay gắt hơn và có tính thanh lọc cao. Đối với những dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như giá bán trước bối cảnh khó huy động vốn và giá các nguyên vật liệu xây dựng đều tăng. Do đó nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến những sản phẩm mức giá phù hợp như đất nền pháp lý hoàn chỉnh chuyển nhượng ngay hoặc căn hộ trả góp ưu đãi có tiến độ bàn giao đảm bảo đúng cam kết từ phía các chủ đầu tư. Và những doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh sẽ được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn trong thời điểm này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm