Chủ tịch Nguyễn Trường Tô "sống buông thả" như thế nào?

Sau khi Báo PLVN online đăng tải thông tin Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang của ông Nguyễn Trường Tô, nhiều bạn đọc đã quan tâm đề nghịtiếp tục  thông tin về ông chủ tịch “sống buông thả” này.  

Sau khi Báo PLVN online đăng tải thông tin Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang của ông Nguyễn Trường Tô, nhiều bạn đọc đã quan tâm đề nghịtiếp tục  thông tin về ông chủ tịch “sống buông thả” này.

TIN LIÊN QUAN

Lật lại vụ án Sầm Đức Xương

Theo thông báo của UBKTTW, ông Tô từ năm 2005 đã có nhiều vi phạm: thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh...Không biết “lối sống buông thả” của ông Tô vào thời điểm năm 2005 ra sao nhưng trước phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Sầm Đức Xương “mua dâm người chưa thành niên” vào tháng 1/2010, bị cáo Nguyễn Thúy Hằng (SN 1991) và Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1992) bị tòa sơ thẩm kết án tội “Môi giới mại dâm” đã có “Đơn kêu cứu”  gửi các ban ngành chức năng; trong đó hai bị cáo đề cập đến bản danh sách họ, tên, điện thoại của một số quan chức mà bản thân bị cáo có "quan hệ tình dục”. Danh sách của Thúy gồm 6 người và “nhiều người khác không nhớ tên” và đứng đầu trong số này là ông Nguyễn Trường Tô - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (số điện thoại: 0913271…). 

Đơn của bị cáo Thuý ghi: “Chúng cháu bị thầy Xương đe dọa sẽ hạ thấp kết quả học tập ép chúng cháu quan hệ tình dục với thầy. Từ đó, thầy còn bắt chúng cháu quan hệ với bạn bè của thầy”. Ngoài việc nêu danh tính của 6 người gồm ông Tô và các cán bộ công an, ngân hàng, bưu điện, hải quan…đơn của bị cáo Hằng còn viết “tất cả những ông này đều quan hệ tình dục và trả tiền cho cháu”.

Luật sư Trần Đình Triển (thời điểm đó thực hiện việc bào chữa cho Thúy) cho hay “đơn của Thúy, Hằng có nội dung tương tự nhau nhưng được viết một cách tương đối độc lập. Hai bị cáo bị giam giữ riêng và khi viết đơn thì gửi cho hai luật sư khác nhau (bị cáo Hằng gửi đơn thông qua LS Nguyễn Văn Tú) nên có có sở tin rằng cả hai lời khai trên là khách quan”. Chính vì vậy, sau khi tập hợp được cả hai đơn của bị cáo Thúy, Hằng, Luật sư Triển đã có “Báo cáo và Kiến nghị xin giải quyết khẩn cấp” đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra làm rõ nội dung tố cáo của bị cáo Thúy, Hằng.

Đơn kiến nghị này cùng lời khai của hai bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm sau đó đã thực sự là “quả bom” khiến HĐXX phúc thẩm tuyên hủy bản án để điều tra lại vụ án. Được biết sau đó, hồ sơ vụ án đã được CQĐT Công an tỉnh Hà Giang thụ lý điều tra (trước đó, vụ án do CQĐT Công an huyện Vị Xuyên điều tra), đại diện VKSNDTC cũng đã về xem xét hồ sơ vụ án.

Còn nhớ, tại phiên phúc thẩm, khi được luật sư hỏi về nội dung tố cáo về bản danh sách “đen”, cả Thúy và Hằng đều cam đoan về lời khai của mình và đã khai khá tường tận về việc được ông Tô “nháy” máy điện thoại để lấy số như thế nào? Ai là người đã đến cổng trường học để đón “hàng” đi? Thậm chí, Thúy, Hằng còn được ông Tô gọi lên phòng làm việc chơi và được ông Tô dặn dò khi đi qua cổng cơ quan, phải khai tên khác (tên Hương) để “qua mặt” cảnh sát bảo vệ. Có lần, ông Tô đã phải gọi điện “bảo lãnh” thì các bị cáo mới được qua cổng...

Lộ ảnh khỏa thân

Trong khi đang là nghi can trong vụ án mua dâm trẻ vị thành niên, ông Tô lại bị phát hiện có dấu hiệu liên quan đến một vụ mua dâm khác, Báo Đại Đoàn kết điện tử đưa tin.

Cụ thể,  ngày 22/11/2006, khi Công an thị xã Hà Giang bắt quả tang Nguyễn Thị Dung (Nguyễn Thị Trang) đang bán dâm tại khách sạn Thủy Tiên (thị xã Hà Giang), có lập biên bản thu giữ của Dung máy điện thoại di động số thuê bao 0986.623.... Vụ mua bán dâm này sau đó được xử lý hành chính.

Tuy nhiên, khi kiểm tra chiếc điện thoại di động, Công an thị xã Hà Giang phát hiện có nhiều cuộc gọi, tin nhắn và một số hình ảnh của một người đàn ông khỏa thân. Khi in phóng 4 kiểu thành 13 ảnh để đối chiếu mới tá hỏa nhận ra người đàn ông nằm trên giường chính là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Tại biên bản làm việc với công an, Dung khai nhận vào tháng 11/2005 có qua đêm với ông Chủ tịch tại một khách sạn ở Hà Nội. Sau khi quan hệ xong, Dung đã lấy máy điện thoại di động  (khi đó Dung sử dụng) chụp “bạn tình” theo nhiều tư thế khác nhau.  Kết quả giám định từ Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an) trên cơ sở trưng cầu giám định 13 tấm ảnh nói trên và 2 tấm ảnh mẫu, kết luận: Không phát hiện thấy dấu vết cắt ghép thể hiện trên 13 ảnh gửi giám định, 13 ảnh cần giám định so với 2 tấm ảnh mẫu của ông Tô có những đặc điểm giống nhau.

Đặc biệt, trong máy di động của Dung còn có những tin nhắn được gửi đến từ máy di động số 0913271...của Chủ tịch tỉnh với ký hiệu “TYCT”- Dung lý giải đó là “tình yêu Chủ tịch”.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Bình Vận, Giám đốc Công an Hà Giang về vụ việc này: “Khi thấy (ảnh) tôi cũng bàng hoàng không tin vào mắt mình”. Sau đó, ông Vận đã báo cáo sự việc này lên Bí thư tỉnh ủy. Ông Hoàng Minh Nhất, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã xác nhận, nhắc nhở ông Tô cần rút kinh nghiệm trong sinh hoạt.

PV

Đọc thêm