Chủ tịch nước: Chấp nhận tăng nợ công nhưng phải trong tầm kiểm soát

(PLVN) - Cho biết nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, tăng trong tầm kiểm soát.
Chủ tịch nước phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 4/1.

Chiều nay (4/1), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong nghị quyết quan trọng hướng đến mục tiêu đảm bảo tăng trưởng bền vững, phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tờ trình của Chính phủ không chỉ đề ra mục tiêu, giải pháp mà phương án huy động nguồn lực thực hiện hỗ trợ.

Cho biết nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, tăng trong tầm kiểm soát.

“Không cách nào khác, phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ tăng trưởng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế.

“Cần có một hệ thống giải pháp chứ không phải chỉ tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước cho rằng, việc về hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này cần thiết nhưng mà nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.

“Anh tung tiền ra nhiều, kể cả đầu tư xây dựng, nhưng chính sách lỏng lẻo khiến lạm phát tăng lên, cùng với giá dầu tăng, các chi phí khác tăng… Đó là vấn đề chúng ta cần lưu ý trong điều hành kinh tế”, Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, những hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, làm sao họ tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất…

Tham gia thảo luận tổ, phần đông đại biểu cũng nhất trí đánh giá cao tờ trình của Chính phủ về mục tiêu, giải pháp và phương án huy động nguồn lực hỗ trợ trong dự thảo Nghị quyết.

Về việc hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn, nhiều đại biểu khẳng định điều này là cần thiết, nhưng nền tảng là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.

“Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, các tổ chức xếp hạng đang rất quan ngại về vấn đề lạm phát gia tăng và hệ lụy của lạm phát, đặc biệt là khi chúng ta bơm tiền từ ngân sách nhà nước cho các gói phục hồi. Do đó, Chính phủ phải giải trình thêm vấn đề này”, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Ngọc Quý phát biểu.

Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, xu hướng lạm phát của năm 2022 sau khi các gói kích thích đi vào lưu thông là một nguy cơ. Vì vậy, chúng ta cần phải có những đánh giá tốt hơn về lạm phát. Mặc dù Chính phủ vẫn khẳng định kiểm soát được chỉ số này ở mức tối đa là 4%.

Nhiều đại biểu đề nghị trong quá trình thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ cần phải hướng tới mục tiêu vừa nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Đọc thêm