Chiều 19/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với Đà Nẵng về công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại bão số 5 và mưa, lũ lớn gây ra trên địa thành phố.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phân công đoàn công tác của Chính phủ trực tiếp đến các địa phương miền Trung để khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra.
|
Chủ tịch nước và Đoàn Công tác Chính phủ thực địa, kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ ở Đà Nẵng |
Trước đó, qua dự báo của cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới do bão số 5 suy yếu hình sẽ gây mưa lớn trên diện rộng tại miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Trên thực tế, ngay sau bão số 5 và áp thấp nhiệt đới, tại khu vực Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa lớn kéo dài. Đặc biệt, Đà Nẵng là trọng tâm mưa lần này và đã gây ngập lụt trên diện rộng toàn TP.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các lực lượng công an, quân sự; vai trò phối hợp của Mặt trận, các đoàn thể vào sự tích cực hưởng ứng, đồng thuận của Nhân dân, thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng đã giảm thiểu đáng kể.
Nhiều kinh nghiệm, bài học được rút ta từ công tác phòng chống mưa lũ lần này ở miền Trung và TP Đà Nẵng rất đáng được biểu dương, nhân rộng. Trong đó, từ khâu sắp xếp, di dời, bố trí dân cư tại các địa bàn ngập lụt, xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn; vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là của từng cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, của các lực lượng vũ trang trong việc khẩn cấp có mặt tại khu vực ngập lụt để cứu dân, cứu tài sản một cách kịp thời, đồng bộ; Nhân dân tích cực ủng hộ, tự giác tuân thủ các quy định của chính quyền, ngành chức năng đưa ra… Nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân và của Nhà nước.
|
Chỉ tịch nước nghe báo cáo những thiệt hại ban đầu của Đà Nẵng trong đợt mưa lũ vừa qua |
“Không thể có được kết quả đó nếu như không phát huy được vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng có liên quan, sự đồng thuận, tự giác chấp hành chủ trương và kế hoạch, phương án phòng chống mưa lũ do địa phương đưa ra thì đến nay khó có thể lường hết những thiệt hại mà do mưa lũ có thể nói là lịch sử như vừa qua để lại”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tính chất, mức độ của mưa lũ lần này rất phức tạp; mưa lớn kéo dài gây ngập lụt trên diện rộng. Xét ở mức độ nguy hiểm của thiên tai lần này với những thiệt hại đến nay các địa phương thống kê được cho thấy mức thiệt hại như vậy là không lớn. Và thiệt hại lần này cũng không bằng những đợt thiên tai trước đây đã xảy ra. Đây là điều mà miền Trung nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng tiếp tục tổng kết rút kinh nghiệm để phát huy sau này.
Theo Phó Thủ tướng, sắp tới Văn phòng Chính Phủ sẽ có kết luận cụ thể gửi các địa phương để phối hợp xử lý hậu quả của mưa lũ. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương phải khẩn trương thống kê thiệt hại trong nhân dân, thiệt hại ở các cơ sở hạ tầng công cộng, nhất là các cơ sở trường học, bệnh viện, giao thông, điện, nước… để báo cáo và phối hợp với các cơ quan Trung ương đưa ra giải pháp khắc phục; đề xuất Chính phủ mức hỗ trợ, sửa chữa, khắc phục.
Riêng đối với các công trình hạ tầng lớn, các địa phương rà soát, đánh giá và có phương án hỗ trợ xử lý khắc phục. Trong đó cần ưu tiên tập trung nước rút tới đâu, xử lý tới đó; phải khôi phục nhanh để ổn định sản xuất và đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Các địa phương phải tăng cường chủ động triển khai công tác ứng phó hiệu quả; lấy tích cực, chủ động làm phương châm để phòng, chống và khắc phục hậu quả các thiệt hại do thiên tai gây ra.
|
Chủ tịch nước chia sẻ những mất mát của Nhân dân miền Trung, trong đó có người dân Đà Nẵng về những thiệt hại do mưa lũ lần này, nhất là các gia đình có người bị chết, tài sản bị trôi hoặc ngập nước hư hỏng hoàn toàn. |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với đánh giá của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về vai trò, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở; sự tích cực tham gia, tự giác chấp hành của Nhân dân; sự tham gia hiệu quả, đồng bộ, kịp thời của các lực lượng chức năng trong công tác lãnh chỉ đạo, phối hợp ứng cứu và xử lý hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung và tại TP Đà Nẵng lần nhà.
Theo Chủ tịch nước, nhiều mô hình, cách làm, các tấm gương không ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng xông pha vào dòng nước lũ cứu dân cần được TP Đà Nẵng, các địa phương tại miền Trung, Quân khu 5 nghiêm túc tổng kết, báo cáo, đề nghị Trung ương tuyên dương, khen thưởng.
Chia sẻ những mất mát của Nhân dân miền Trung, trong đó có người dân Đà Nẵng về những thiệt hại do mưa lũ lần này, nhất là các gia đình có người bị chết, tài sản bị trôi hoặc ngập nước hư hỏng hoàn toàn, Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi sâu sắc và mong muốn các gia đình cố gắng vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống, cùng với chính quyền và người dân địa phương làm ăn, góp phần xây dựng TP ngày càng phát triển.
|
Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi sâu sắc và mong muốn các gia đình cố gắng vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống, cùng với chính quyền và người dân địa phương làm ăn, góp phần xây dựng TP ngày càng phát triển. |
“Tôi mong muốn Đà Nẵng không những phải khắc phục hậu quả mưa lũ nhanh mà còn phải phát triển nhanh”, Chủ tịch nước nói và đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Quân khu 5 tiếp tục có những hỗ trợ kịp thời để giúp TP Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh miền Trung sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục lại sản xuât và ổn định đời sống Nhân dân.