Chủ tịch phường “đổ dầu vào lửa” cho tranh chấp

Sau khi hòa giải bất thành, ông Phan Tuấn Ngọc, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân ngang nhiên chỉ đạo cán bộ thu thuế của phường cho bà Phan Kim Thúy được kê khai và đóng thuế trên phần đất thuộc quyền sử dụng của người khác một cách trái pháp luật.  

Sau khi hòa giải bất thành, ông Phan Tuấn Ngọc, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân ngang nhiên chỉ đạo cán bộ thu thuế của phường cho bà Phan Kim Thúy được kê khai và đóng thuế trên phần đất thuộc quyền sử dụng của người khác một cách trái pháp luật.  

Gia đình bà Ngân bất ngờ nhận thông báo nộp thuế 82m2 thay vì 182m2

“Đổ dầu vào lửa”

Bà Đỗ Thị Kim Ngân, trú tại tổ 18, cụm 2, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ nói rằng chỉ đạo của ông Ngọc là trái pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà, đồng thời “đổ dầu vào lửa” cho những tranh chấp không đáng có, gây khiếu kiện phức tạp tại địa phương.

Theo phản ánh của bà Ngân, mảnh đất 182m2 tại số 9, tổ 18, ngõ 497 đường Âu Cơ là tài sản của ông bà nội để lại theo di chúc cho ba chị em gồm bà Ngân, bà Đỗ Thúy Hường và Đỗ Thị Hồng Thắm, từ nhiều năm qua bà Ngân thay mặt ba chị em đóng thuế đất cho Nhà nước.

Ngày 18/10/ 2012, bà bất ngờ nhận được thông báo nộp thuế của Chi cục thuế quận Tây Hồ với diện tích không phải là 182m2 mà chỉ là 82m2, sau khi xác nhận lại từ bà Nguyễn Thị Bình (cán bộ thu thuế của phường) thì được biết 100m2 còn lại đã được ông Ngọc, Chủ tịch UBND phường chỉ đạo cho bà Phan Kim Thúy (người ở địa phương khác) kê khai và đóng thuế.

“Nếu UBND phường do nhầm lẫn không xem kĩ giấy tờ mà bà Thúy trình bày thì cần báo ngay cho bà ấy để trả lại tiền thuế đất được kê khai và nộp không hợp pháp. Còn nếu UBND phường không ngăn chặn kịp thời, không loại trừ hành vi lợi dụng việc kê khai, nộp thuế để lừa đảo thì hậu quả xẩy ra ông Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm” - bà Ngân nói.

Chỉ đạo trái luật

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định, người nộp thuế là  hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất, trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Chiếu theo quy định nói trên thì đối tượng mà lãnh đạo UBND phường Nhật Tân chỉ đạo cho kê khai và đóng thuế là “có vấn đề” vì vừa không phải người sử dụng, vừa không phải là người có quyền sử dụng đất được pháp luật thừa nhận.

Trao đổi với phóng viên PLVN, bà Nguyễn Thị Bình xác nhận: “Bà Thúy có lên phường trình bày rằng bà có mua 100m2 đất của gia đình bà Ngân. Khi kê khai nộp thuế thấy bà Ngân kê khai 182m2, còn bà Thúy kê khai 100m2 trên cùng thửa đất, tôi thấy không được nên có xin ý kiến lãnh đạo thì ông Ngọc, Chủ tịch UBND phường chỉ đạo “nguyên tắc mua đất có giấy tờ mua bán rồi , còn việc xử lý sau này qua tòa chứ bây giờ chỉ đóng thuế nhà đất thôi””.

Về việc mua đất của bà Thúy, bà Ngân khẳng định:  “Tôi là chủ đất và tôi chưa ký bất kỳ giấy tờ liên quan đến mua bán 182 m2 đất mà tôi có quyền sử dụng. Mặc dù năm 2006 chị Hường, chị Thắm có ý định bán 100m2 cho chị Thúy nhưng sau đó việc mua bán sau đó không thành vì bên mua đất là bà Thúy không có tiền trả, và trong bản khai mua bán quyền sỡ hữu nhà công trình và quyền sử dụng đất bà Thúy cố tình ghi không đúng địa chỉ nơi bà thường trú.” 

Điều 134 Bộ Luật Dân sự 2005 và Điểm b, Khoản 1, Điều 119 Nghị định 181/2004 ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định: việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Pháp luật chỉ công nhận các giao dịch mua bán bằng giấy tay thực hiện trước ngày 1/7/2004 (ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực).

Như vậy, việc mua bán như bà Thúy trình bày với lãnh đạo phường Nhật Tân để được đóng thuế là hoàn toàn không có giá trị pháp lý nhưng vì sao ông Ngọc, Chủ tịch phường Nhật Tân lại cố tình cho bà Thúy đóng thuế ngay sau khi việc hòa giải không thành?

Ông Ngọc giải thích việc chỉ đạo không phải là ý kiến của cá nhân ông mà dựa trên tờ khai nộp thuế của bà Ngân và bà Thúy và trên cơ sở xét duyệt của một hội đồng của phường Nhật Tân mà ông là người đứng đầu hội đồng này. Ông lớn tiếng viện dẫn điều 4 của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để bao biện cho chỉ đạo sai trái của mình nhưng ngay trong quy định này cũng đã nói rất rõ, trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng nếu có tranh chấp đi chăng nữa thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ngay chính vị đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước ở phường Nhật Tân không thể phân biệt ai là người sử dụng đất được pháp luật thừa nhận, hành xử của ông chẳng khác nào đang tiếp tay cho những tranh chấp không dựa trên những quy định của pháp  luật. 

Bà Nguyễn Thị Bình xác nhận: “Khi kê khai nộp thuế thấy bà Ngân kê khai 182m2, còn bà Thúy kê khai 100m2 trên cùng thửa đất, tôi thấy không được nên có xin ý kiến lãnh đạo thì ông Ngọc, Chủ tịch UBND phường chỉ đạo “nguyên tắc mua đất có giấy tờ mua bán rồi , còn việc xử lý sau này qua tòa chứ bây giờ chỉ đóng thuế nhà đất thôi””.

Phi Hùng

Đọc thêm