Chủ đề của Hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề liên quan đến hòa bình, dân chủ và phát triển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới Saber Chowdhury nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch QH lần này thể hiện sự nỗ lực tham gia ngày càng tích cực và sâu sắc của nghị viện các quốc gia trên thế giới vào việc hoạch định và xây dựng chương trình nghị sự sau năm 2015 của LHQ.
Ông Saber Chowdhury cho rằng, mối quan hệ về tổ chức IPU với tổ chức LHQ đã liên tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua; mong muốn hai tổ chức sớm ký kết bản Thỏa thuận hợp tác hướng tới những cơ hội hợp tác rộng lớn hơn nữa với những mục tiêu tương đồng quan tâm đến con người, vấn đề an ninh và đời sống của người dân và cử tri trên toàn thế giới.
Đề cập những thách thức toàn cầu hiện nay, Chủ tịch IPU nêu rõ, với chế định tổ chức theo Hiến pháp ghi nhận bao gồm chức năng giám sát Chính phủ, thông qua luật và bảo đảm quá trình thực thi luật pháp, đưa pháp luật vào cuộc sống, hài hòa các nguồn lực thông qua quá trình phân bổ ngân sách, các nghị viện các nước trên thế giới giữ vai trò rất quan trọng và trách nhiệm to lớn trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, tại hội nghị lần này, các nhà lập pháp lại gặp nhau sau 5 năm để bàn thảo những nội dung phát triển trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực.
Thế giới đang trải qua những thử thách to lớn, bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tăng cường quyết tâm đồng thuận tập thể nhằm mục tiêu thúc đẩy hòa bình và an ninh, sự phát triển bền vững và các quyền của con người trên toàn thế giới.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng đánh giá cao những nỗ lực và vai trò của Liên minh Nghị viện Thế giới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và đóng góp tích cực vào các nội dung nghị sự của LHQ.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng cho biết, hồi đầu tháng này, các quốc gia thành viên cũng đã tiến một bước quan trọng trong việc kết thúc đàm phán về chương trình nghị sự phát triển bền vững cho 15 năm tới. Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại.
Ngay sau phần khai mạc, hội nghị đã họp Phiên toàn thể thứ nhất với các báo cáo: Báo cáo về việc thực hiện các khuyến nghị của các Hội nghị Thế giới các Chủ tịch QH và Nghị viện trước đây và góc độ nghị viện trong quan hệ quốc tế; Báo cáo về Lồng ghép bình đẳng giới vào công việc của các Nghị viện.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh Chủ tịch QH các nước trên thế giới lần này là dịp cùng nhìn lại những cam kết đã đưa ra và tái khẳng định những cam kết đó với những nội hàm mới phù hợp với tình hình quốc tế đang đổi thay hằng ngày, hằng giờ.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, các Nghị viện thành viên của IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2015 vừa qua.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, với mong muốn gìn giữ hòa bình, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, của luật pháp quốc tế, cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, vì lợi ích và an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, đe dọa sử dụng vũ lực, khủng bố trên toàn cầu.
Tiếp đó, Hội nghị đã thảo luận chung về chủ đề: Dân chủ vì Hòa bình và Phát triển bền vững: Xây dựng thế giới theo ý nguyện của nhân dân.
Cũng trong ngày đầu tiên, hội nghị đã họp Phiên toàn thể thứ hai; nghe các báo cáo: Báo cáo về sự tham gia của nghị viện trong việc hình thành và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững do Chủ tịch IPU trình bày; Báo cáo về những thách thức mà các Nghị viện ngày nay phải đối mặt do ông David Carter, Chủ tịch Nghị viện New Zealand trình bày. Hội nghị cũng nghe bài phát biểu của bà Helen Clark, Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP).