Chủ tịch xã Tân Triều nói về vụ “xây biệt thự trên đất công”

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Triều trả lời báo chí liên quan đến việc đất công bị xây dựng biệt thự và quyết định thu hồi đất “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

[links()]Ông Nguyễn Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, trả lời báo chí liên quan đến việc đất công bị xây dựng biệt thự và quyết định thu hồi đất “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

Trong một thông báo thu hồi đất mới đây, có 27 hộ dân sinh sống ở ao Tưởng Tâu nằm trong diện bị thu hồi đất để làm tái định cư cho các hộ dân ở đường Chiến Thắng. Các hộ dân này phản ánh, việc thu hồi này là thiếu công bằng, bởi có hơn 40 hộ dân sinh sống tại khu vực này nhưng chỉ có 27 hộ dân bị thu hồi đất.

Theo ông Tuấn, đất của người dân bị thu hồi để làm tái định cư, và đất thu hồi của bà con là do xã Tân Triều quản lý, cho nên quyết định thu hồi có hiệu lực thì các hộ phải thi hành.

 

Ông Tuấn cho biết, sẽ cho cán bộ xã tổng hợp lại mới biết được bao nhiêu hộ dân sinh sống trên phần đất Tưởng Tâu, khi đó mới có câu trả lời chính thức.  

Tuy nhiên, ngoài phần đất người dân bị thu hồi, hiện tại khu vực ao Tưởng Tâu đã mọc lên nhiều ngôi nhà kiên cố, thậm chí có cả biệt thự hoành tráng. Nhiều căn nhà và biệt thự đó, trái lại, không thuộc diện bị thu hồi đất.

Trước đó, xã này cũng đã tiến hành lập biên bản nhiều hộ dân xây dựng trái phép trên diện tích đất khu vực này. Cán bộ thanh tra xây dựng xã Tân Triều cho hay, những hộ bị lập biên bản sau đó cũng tái vi phạm. “Những hộ tái vi phạm này cũng nằm trong diện đã kê khai khi làm dự án. Có khoảng 27 hộ vi phạm”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ thanh tra xây dựng, cho biết. Theo bà Hà, đối với các hộ dân khi làm móng thì xã cũng đã xử lý và tổ chức một đợt cưỡng chế.

“Vừa rồi chúng tôi cũng có cuộc họp với các hộ dân ở ao Tưởng Tâu và nói rõ quan điểm đây là đất công. Khi giải thích các điều kiện đền bù về đất thì các hộ cũng hiểu. Đây cũng có những hộ dân sinh sống trước năm 1993 và chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của họ để báo cáo với huyện Thanh Trì và TP. Hà Nội”, bà Hà nói.

Đối với hộ dân xây biệt thự tại đây, theo ông Tuấn, là chưa bị lấy đất. “Quy hoạch của TP. Hà Nội quy định thu hồi đến đâu thì UBND huyện Thanh Trì ra thông báo thu hồi đất đến đó, vị trí đến đâu thì triển khai giải phóng mặt bằng đến đó. Còn trường hợp ông Triệu Quang Nhị và một số hộ lấn chiếm, nhưng không nằm trong ranh giới bị thu hồi đất như thông báo”, ông Tuấn khẳng định.

Điều đáng nói, một số công trình xây dựng kiên cố và biệt thự tại đây được xây dựng trên đất công.

Trở lại sự việc, trong đơn kêu cứu của các hộ dân tại ao Tưởng Tâu cho biết: “Suốt từ năm 1985, hàng chục hộ dân đã ra khu ao Tưởng Tâu để khai hoang. Lâu ngày, toàn bộ khu đất này đã mọc lên những ngôi nhà và hình thành khu dân cư. Tuy nhiên, cuối năm 2009, UBND xã Tân Triều, đã gửi thông báo về việc thu hồi khu đất này để phục vụ cho công việc tái định cư cho các hộ dân tại đường Chiến Thắng.

Cũng theo các hộ dân thì trong tổng số 43 hộ dân đã ra khai hoang tại khu ao Tưởng Tâu thì chỉ có 27 hộ có quyết định thu hồi đất. Những hộ còn lại không hiểu vì lý do gì mà UBND xã lại “ưu ái” không gửi thông báo thu hồi đất.

Theo quan sát của phóng viên, khu đất này nằm sen kẽ lẫn với khu dân cư ổn định. Toàn bộ khu đất đã được bê tông hóa chạy xung quanh.

Ngoài những hộ dân xây nhà cấp 4 nhà hai tầng thì có vài căn biệt thự uy nghi được mọc lên trong thời gian UBND xã Tân Triều gửi quyết định thu hồi đất.

P.V.

Đọc thêm