Chú trọng đào tạo nguồn cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Lâm Đồng những năm gần đây ngày càng được chú trọng đã tạo nên sự chuyển biến về kinh tế - xã hội cho vùng đất này.
Buồi tập huấn cho cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Buồi tập huấn cho cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên 978.334 ha. Lâm Đồng giáp ranh với 7 tỉnh, là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên không có đường biên giới quốc gia. Với dân số 1.336.959 người, Lâm Đồng có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 77.917 hộ, 347.791 người (chiếm 26,01% dân số toàn tỉnh).

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS được nâng lên. Những năm qua, hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thường xuyên được tăng cường củng cố, xây dựng ngày càng vững mạnh.

Ngoài chính sách ưu tiên trong cử tuyển đi học các lớp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tập thì công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức (CBCCVC), người DTTS luôn được quan tâm. Hầu hết cán bộ được đào tạo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ về công tác tại các địa phương, đặc biệt là cán bộ trẻ nhằm khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong tư duy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, trật tự tại cơ sở được Lâm Đồng chú trọng.

Đào tạo cán bộ người đồng bào DTTS ở huyện miền núi Đam Rông ngày càng được chú trọng.

Đào tạo cán bộ người đồng bào DTTS ở huyện miền núi Đam Rông ngày càng được chú trọng.

Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, tổng số lượng CBCCVC, người DTTS trong biên chế từ cấp tỉnh đến cấp xã có 3.658/31.454 người, chiếm 11,63%. Trong đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có 2 tiến sĩ, 41 thạc sĩ, 2.128 đại học, 849 cao đẳng, 631 trung cấp, 20 sơ cấp, 36 chưa qua đào tạo.

Hiệu quả các chính sách đầu tư vùng DTTS trong thời gian qua đã góp phần phát triển toàn diện nông thôn DTTS. Công tác đào tạo nguồn, xây dựng quy hoạch cán bộ người DTTS được quan tâm thực hiện, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ; chất lượng cán bộ ở vùng DTTS ngày càng nâng lên.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn cán bộ DTTS ở Lâm Đồng còn khó khăn như số cán bộ công tác ở các cơ quan Đảng, chính quyền, các sở, ngành, các phòng ban cấp huyện còn thấp so với quy định. Một số huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng số cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập ở huyện và cấp xã còn ít, chưa tương xứng với tỷ lệ người DTTS tại địa phương.

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Đảng và nhà nước có chính sách ưu tiên hơn nữa trong đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS nhất là cán bộ người DTTS gốc Tây Nguyên; có chính sách đào tạo và sử dụng giáo viên tiếng DTTS, nhất là tiếng DTTS gốc Tây Nguyên.

Bên cạnh sự chủ động tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, đơn vị và các hộ sản xuất, để đáp ứng những đòi hỏi của một nền nông nghiệp tiên tiến, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh công tác đào tạo, trong đó trường Đại học Đà Lạt là một trong những nơi đào tạo chủ lực khi mỗi năm cung cấp hàng ngàn kỹ sư cho thị trường lao động, trong đó có không ít con em người đồng bào DTTS. Năm học 2023 trường Đại học Đà Lạt có 4100 sinh viên đào tạo trình độ đại học và trên đại học thì có 1118 em là người đồng bào DTTS. Các ngành học được các em sinh viên ưa thích lựa chọn và phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương là ngành Nông Lâm và Công nghệ Sinh học.

Đọc thêm