Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, uống thật nhiều nước.
Khi bị sốt, trẻ rất dễ mất năng lượng và giảm cung cấp dinh dưỡng do ăn uống kém, chán ăn, vì vậy cần cho bé ăn những thức ăn lỏng và mềm như: ăn cháo, soup vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm khô quá, đồ cứng khó nuốt. Đặc biệt với trẻ em bị SXH, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho trẻ ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống ra, không nên cho ăn dồn dập.
Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh SXH. Không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu; còn lại không kiêng tuyệt đối thứ gì cả.
Trẻ mắc SXH nếu đã khỏi sốt và chơi bình thường rồi thì nên tuân theo chế độ ăn như bình thường. Tùy theo độ tuổi của bé, nếu bé còn bú mẹ thì mẹ phải tăng cường dưỡng chất, nếu bé ăn dặm thì ăn “trả bữa” bổ sung cho bé để tăng cân, bù lại mất dinh dưỡng trong thời gian bé bị ốm, tránh tình trạng nhẹ cân suy dinh dưỡng sau này. Thời gian mới ốm dậy, trẻ có thể ăn chưa ngon miệng, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn ra, cho ăn các loại cháo soup bù năng lượng thiếu hụt, tăng số bữa lên…
Chú ý là cha mẹ cần kiên trì nấu nướng các món ăn thay đổi khẩu vị, nên hỏi trẻ lớn để có món ăn hợp khẩu vị của trẻ. Các món ăn ưu tiên là giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất… có thể nấu cháo cà rốt, thịt gà, uống nước quả cam, quýt, sinh tố… nhằm giúp trẻ tăng cường sức khỏe.
Quan trọng nhất là bù nước, vì khi sốt trẻ dễ mất nước, hơn nữa nếu trẻ mất nước sẽ dễ bị sốc do giảm thể tích máu, bệnh trở nặng rất nhanh. Nên cho trẻ uống các loại nước như nước sôi để nguội, nước suối, nước quả ép như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa... vì chúng chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh giảm đi.
Nếu bệnh nhân có nôn khi uống, cần cho uống lượng nhỏ bằng muỗng, uống từ từ và nhiều lần. Trong lúc bị bệnh, bà con mình không nên cho bé nên ăn hoặc uống thực phẩm sẫm màu như đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh. Mục đích là để không bị nhầm lẫn, có thể nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay không.
Uống thuốc theo toa của bác sĩ
Thuốc điều trị sốt xuất huyết tại nhà chủ yếu là thuốc hạ sốt. Theo dõi nhiệt độ cơ thể. Nếu sốt cao trên 38,5 độ C cần hạ sốt bằng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, nằm chỗ thoáng, chườm mát cho bé. Thuốc hạ sốt an toàn cho bé là Paracetamol. Đặc biệt chú ý không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết ồ ạt rất nguy hiểm.
Theo dõi dấu hiệu trở nặng và tái khám
Có 5 dấu hiệu quan trọng mà phụ huynh cần nhớ khi theo dõi bé tại nhà là: Lừ đừ, bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân mát; xuất huyết. Khi xuất hiện một trong năm dấu hiệu trên thì phải đưa cháu đến bệnh viện ngay, vì nếu để quá trễ bé sẽ có nhiều biến chứng khó điều trị. Hàng ngày đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để tái khám, tùy tình trạng bệnh của từng trẻ mà bác sĩ cho thử máu hàng ngày, có khi tái khám nhiều lần trong ngày.
Người dân không nên chủ quan không tái khám vì đã có những trường hợp bệnh trở nặng dù hết sốt. Trong thời gian mắc bệnh, bé cần nghỉ học, ở nhà cho bé nghỉ ngơi hoàn toàn và hạn chế vận động, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng sau khi bị sốt xuất huyết.
Không phải tất cả bệnh sốt xuất huyết đều nhập viện, vì vậy các phụ huynh phải hợp tác với bác sĩ và chăm sóc con mình tại nhà thật chu đáo, bệnh chỉ kéo dài 7 ngày là khỏi nên chúng ta dành thời gian nhiều nhất cho bé trong lúc bị sốt xuất huyết sẽ góp phần điều trị thành công bệnh sốt xuất huyết.