Sau hai năm thực hiện Chỉ thị 36/2008/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ra đời nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực như âm nhạc, văn học, chương trình máy tính , bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, kỹ thuật số... tình trạng vi phạm có giảm nhưng không đáng kể…
Vi phạm tăng khối cá nhân, giảm khối doanh nghiệp
Theo một báo cáo mới đây của Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) thì kết quả thanh tra trong những năm gần đây cho thấy việc tuân thủ pháp luật về bản quyền phần mềm (BQPM) tại khối doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt.
Nhiều trang web nghe nhạc trực tuyến cũng bị xử phạt hành chính |
Tuy vậy, tỷ lệ vi phạm BQPM tại khối người tiêu dùng thì lại tăng khá nhanh do tốc độ tăng trưởng quá nhanh của máy tính cá nhân. Theo điều tra của IDC (nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới về các dịch vụ marketing, tư vấn, và tổ chức sự kiện cho ngành công nghệ thông tin, viễn thông, và các thị trường tiêu dùng hàng công nghệ) trong năm 2009, tỷ lệ tăng trưởng khối máy tính cá nhân lên tới 41% và hầu hết các máy tính cá nhân đều cài đặt phần mềm không có bản quyền.
Từ năm 2009 đến nay, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã thanh tra đột xuất 58 doanh nghiệp tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Nha Trang, Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên, kiểm tra 2873 máy tính, thì có 9 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm với số tiền 130 triệu đồng và 27 doanh nghiệpị cảnh cáo . Năm 2010, đã hướng dẫn 12 doanh nghiệp mua hơn 5 tỷ đồng bản quyền phần mềm để sử dụng tại công ty.
Ngoài ra, nhiều trang web nghe nhạc trực tuyến cũng bị xử phạt hành chính, như Cty cổ phần Yêu âm nhạc, Cty cổ phần Tập đoàn Vina, Công ty TNHH truyền thông PI về hành vi lưu trữ, cung cấp, phổ biến đến công chúng một số lượng lớn các bản ghi âm mà chưa được phép của Liên đoàn công nghiệp ghi âm quốc tế và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Nhiều cơ quan còn thờ ơ
Nhưng đó chỉ là phần nhỏ khi mà tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra thường xuyên. Theo Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT &DL Phạm Xuân Phúc, thanh tra phải kham quá nhiều lĩnh vực, trong khi lực lượng quá mỏng và chủ yếu thanh tra khi có đơn khiếu nại, tố cáo…
Một vấn đề nữa là từ khi có Chỉ thị 36, nhiều cơ quan ban ngành chưa thực sự quyết tâm trong việc bảo vệ quyền tác giả. Nhiều đơn vị không hề có động thái cụ thể nào trong việc “ kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan” (Khoản a Điều 2) “ và theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này” (Điều 13)
Ông Phó Đức Phương – Giams đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bức xúc: Ví dụ điển hình của trường hợp này là Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (Quy chế 47) của Cục Nghệ thuật biểu (NTBD) ban hành tháng 7/2004 rõ ràng chưa thể hiện đúng những quy định luật pháp trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ban hành năm 2005 và càng xa cách đến mức dường như mâu thuẫn với tính mạnh mẽ, quyết liệt của Chỉ thị 36.
Vậy mà trong suốt năm 2009 và nữa đầu năm 2010, Cục NTBD không hề có đề xuất điều chỉnh đúng đắn và kịp thời. Không những thế, Quy chế hoạt động văn hóa & kinh doanh dịch vụ công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP được Chính phủ vào ban hành vào năm 2009 do Cục NTBD chấp bút còn lùi thêm một bước khi không có một điều khoản nào đòi hỏi phải thi hành luật pháp trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, hoặc nói cách khác, đã bỏ qua những quy định pháp luật về SHTT và quyền tác giả, quyền liên quan.
Ông Phạm Tiến Dũng- Phó Giams đốc Sở VHTT&DL Nghệ An kiến nghị cần xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan chặt chẽ, quy định chức năng, trách nhiệm cụ thể để tránh sự chồng chéo. Xây dựng các tiêu chí đánh giá rõ ràng như thế nào là vi phạm, như thế nào là không vi phạm bàn quyền cho từng lĩnh vực như: Biểu diễn, văn học, âm nhạc, thương hiệu...
Những năm gần đây, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính đã giảm đáng kể ở Việt Nam, từ mức 92% trong năm 2004 xuống mức 85% trong năm 2009. Trong một nghiên cứu mới đây của IDC, hãng nghiên cứu, dự báo thị trường hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, có dự báo rằng, nếu tỉ lệ phần trăm vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm được 10 điểm trong vòng 4 năm thì ngành công nghiệp phần mềm sẽ có thêm được 623 triệu USD doanh thu. |
Tuấn Ngọc