Chưa ngã ngũ về biện pháp 'trị' hành vi sử dụng giấy tờ giả

(PLO) -Chiều 12/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu – Trưởng ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự và phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu

Một trong những nội dung Tổ biên tập xin ý kiến của Ban soạn thảo đã được thảo luận sôi nổi là các hành vi làm và sử dụng giấy tờ, con dấu giả sẽ bị xử lý hình sự hay chỉ xử phạt vi phạm hành chính.

Cần xác định rõ ranh giới 

Báo cáo nội dung trên, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Hồng Diện – Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết: Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật đều có thể bị xử lý hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa của cấu thành tội phạm.

Qua rà soát Dự thảo Nghị định, có 93 hành vi bị xử phạt VPHC liên quan đến làm giả giấy tờ hoặc sử dụng giấy tờ giả. Tuy nhiên, các hành vi được mô tả tại Dự thảo Nghị định chưa xác định rõ ranh giới để phân định giữa xử lý hình sự hoặc bị xử phạt VPHC.

Trên cơ sở đó, Tổ biên tập đề xuất 2 phương án. Cụ thể, phương án 1 là bỏ các hành vi liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Còn theo phương án 2 thì trong một số nghị định hiện hành về xử phạt VPHC vẫn có quy định hành vi làm giả (như điểm b khoản 6 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đối với hành vi làm giả hộ chiếu). Do vậy, cần có quy định hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả tại Dự thảo Nghị định song cần bổ sung cụm từ “nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Góp ý cho nội dung trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật Lê Thanh Bình phân tích, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 đã cấu thành hình thức về hành vi làm và sử dụng giấy tờ, con dấu giả mà không phụ thuộc hậu quả xảy ra. Mặc dù Tổ biên tập có dẫn chứng quy định tại Nghị định 167 về hành vi làm giả hộ chiếu nhưng ông Bình lưu ý Nghị định 167 ban hành năm 2013 trước thời điểm ban hành Bộ luật Hình sự) nên ông Bình đề xuất theo phương án 1 là đưa các hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả ra khỏi Dự thảo Nghị định.

Trong khi đó, đại diện Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực lại chia hành vi làm và sử dụng giấy tờ giả thành một số loại khác nhau. Chẳng hạn, với hành vi làm giả thì ngoài hành vi làm giả giấy tờ, con dấu của tổ chức, cơ quan, sẽ có hành vi làm giả giấy tờ cá nhân; còn hành vi sử dụng giấy tờ, con dấu giả sẽ có người sử dụng có thể dưới 16 tuổi thì chúng sẽ không thuộc phạm vi xử lý hình sự.

Vì vậy, vị đại diện đồng ý với Dự thảo Nghị định theo hướng nên “quét” quy định “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Ngoài ra, thực tế cho thấy có những giấy tờ cơ quan tư pháp không có thẩm quyền tịch thu như giấy tờ hộ tịch mà bị làm giả thì thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh nhưng nếu Dự thảo Nghị định không kèm theo hướng xử lý sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Sẽ điều chỉnh 3 lĩnh vực mới

Một vấn đề khác cũng được Dự thảo Nghị định nghiên cứu, xây dựng là điều chỉnh một số lĩnh vực mới chưa được quy định mức phạt tối đa tại Luật Xử lý VPHC năm 2012. Theo đó, Dự thảo Nghị định bổ sung 3 lĩnh vực, hoạt động mới là hòa giải thương mại, thừa phát lại (được bố cục thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp) và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp). Như thế, so với Nghị định 110, các lĩnh vực, hoạt động không có nhiều thay đổi.

Cùng quan điểm với các thành viên Ban soạn thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đồng tình bố cục mà Dự thảo Nghị định đưa ra đối với một số lĩnh vực, hoạt động mới. Còn về hành vi làm và sử dụng giấy tờ, con dấu giả, Thứ trưởng nhất trí vẫn quy định trong Dự thảo Nghị định nhưng nếu chỉ thêm “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” thì rất chung chung, khó áp dụng. Thứ trưởng đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu để mô tả hành vi cho sát và đây sẽ là một nội dung báo cáo xin ý kiến Chính phủ. 

Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục cập nhật vào Dự thảo Nghị định các quy định phù hợp về một số lĩnh vực đang sửa đổi, bổ sung nhưng hiện chưa được ký ban hành gồm luật sư, thừa phát lại. Đồng thời, rà soát để tránh trùng hoặc bỏ sót hành vi so với các Nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực khác. Chỉ đạo Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ các góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Thứ trưởng cũng cho rằng nên cân nhắc một số mức phạt quá cao tại Dự thảo Nghị định nhằm bảo đảm tính răn đe và tính khả thi trong thực tế.

Đọc thêm