Chưa phải là lúc ăn mừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Văn phòng Chính phủ có công điện truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
 "Biển người” ở Hà Nội xuống đường, chen lấn trong đêm Trung thu.
"Biển người” ở Hà Nội xuống đường, chen lấn trong đêm Trung thu.

Công điện nêu rõ, trong những ngày qua một số địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đã có hiện tượng chủ quan, một số nơi xuất hiện các ổ dịch mới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an có các biện pháp chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra không để tụ tập đông người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Hoan nghênh chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng.

Phải nói rằng, nhìn hình ảnh cả “biển người” ở Hà Nội xuống đường, chen lấn trong đêm Trung thu khiến ai cũng bàng hoàng, lo lắng. Đâu rồi ý thức, trách nhiệm của công dân đối với chính mình, Thủ đô và đất nước? Hình ảnh “xõa” bất chấp nguy cơ nhắc nhở tất cả về “bài học đắt giá” của Ấn Độ. Đó là bài học về hành vi cộng đồng, bài học về coi thường dịch bệnh.

Gần 5 triệu tín đồ Hindu dự lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng vào đầu tháng 4/2021 đã biến sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới nói trên trở thành sự kiện “siêu lây nhiễm”, mang đến “thảm họa” cho đất nước này.

Đáng lưu ý, COVID-19 hoành hành trở lại ở nhiều nước có tỷ lệ tiêm vaccine đạt mức rất cao, thậm chí nhiều người dân đã được tiêm mũi 3. Hà Nội, TP HCM cơ bản người dân đã được tiêm mũi 1, không thể vì thế mà bất chấp. Để thắng “toàn cục” với đại dịch, ngoài vaccine COVID-19, bất kể nước nào cũng cần “vaccine ý thức”.

COVID-19 chưa biến mất khỏi Việt Nam, TP HCM và một số địa phương vẫn đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Sau gần 2 năm chống dịch, không ai không biết về cơ chế lây lan chóng mặt của loại dịch bệnh này. Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các quy định về phòng chống dịch chỉ mới được “nới lỏng” chứ chưa hoàn toàn được “gỡ bỏ”, vậy nên hành vi của “biển người” Hà Nội ra đường trong đêm Trung thu không khác gì hành động “thiêu thân”. Đó là hành vi thể hiện lối sống cá nhân, ích kỷ, ve vuốt bản thân, coi thường lợi ích của đất nước.

“Nới lỏng” không có nghĩa là buông xuôi, phải luôn kiểm soát tình hình dịch. Đừng để sự việc như đêm Trung thu Hà Nội trở nên “đắt giá”. Đừng để mọi nỗ lực, hy sinh của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân trong thời gian qua trở nên vô nghĩa. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch. Mà ý thức thì do mỗi người, không mất tiền mua.

Đất nước không thể tiếp tục “phong tỏa”, chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng giãn cách xã hội. Nhưng muốn bình thường trở lại, phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của mỗi người. “Vaccine ý thức” có ý nghĩa không kém vaccine COVID-19, bảo đảm cho đất nước hướng tới cuộc sống bình thường mới. Đây chưa phải là lúc để “ăn mừng” thiếu kiểm soát. “Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan”.

Đọc thêm