Chưa xét công đã "gán" tội cho cựu chiến binh khai hoang trồng rừng?

Dành nốt phần đời còn lại cho việc biến đồi núi trọc và đất bạc màu thành rừng và sinh lợi nhưng một cựu chiến binh đã bị UBND tỉnh Ninh Thuận kết luận là “lấn chiếm đất” và CQĐT tỉnh Ninh Thuận đang tìm kiếm chứng cứ để chống lại người trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc.

Dành nốt phần đời còn lại cho việc biến đồi núi trọc và đất bạc màu thành rừng và sinh lợi nhưng một cựu chiến binh đã bị UBND tỉnh Ninh Thuận kết luận là “lấn chiếm đất” và CQĐT tỉnh Ninh Thuận đang tìm kiếm chứng cứ để chống lại người trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc.

 

Biến đồi núi trọc thành rừng sinh lợi

Dọc Quốc lộ 27B, đoạn từ TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đến trung tâm huyện Bác Ái (Ninh Thuận), những cánh rừng hầu như đã biến mất, chỉ còn lại đồi núi trọc. Đây vốn là hậu quả của việc phá rừng làm nương rẫy của người dân địa phương; nay nương rẫy bạc màu, không thể canh tác được nên phần lớn đã bị bỏ hoang.

Trong khi Nhà nước khuyến khích người dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc thì ở Ninh Thuận, lại có một nghịch lý khi ông Đặng Hồng Vân, cựu binh cư trú tại xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, đang nỗ lực biến đất hoang trở lại thành rừng sinh lợi lại bị quy kết là “khai hoang trái phép”.

Từ những năm đầu thập kỷ 90, khu vực huyện Bác Ái (huyện Ninh Sơn cũ),  rừng đã bị tàn phá để lại nhiều diện tích đồi núi trọc. Vì vậy, năm 1998, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định thu hồi 50 hecta đất lâm nghiệp của huyện Ninh Sơn để đưa vào khai hoang, phục hóa và sản xuất nông nghiệp. Năm 1999, UBND huyện Ninh Sơn đã giao cho ông Trần Khắc Tịnh 13 hecta đất khu vực suối Ale, xã Phước Thắng để sản xuất nông nghiệp. 

Năm 2006, ông Đặng Hồng Vân nhận chuyển nhượng 13 hecta đất nông nghiệp của ông Tịnh; ngoài ra, còn thỏa thuận với một số người dân địa phương để ông quản lý, sử dụng đất nương rẫy của họ vào việc trồng rừng.

Năm 2010, ông Vân kê khai sử dụng đất với UBND huyện Bác Ái và được UBND huyện cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 20 hecta. Phần diện tích đất này, ông Vân đã trồng cây Cóc hành và cây Neem, hai loại cây chịu hạn phù hợp với đất trống đồi trọc, được tỉnh Ninh Thuận phát triển ở địa bàn huyện Ninh Sơn, Bác Ái.

Với tâm huyết, nỗ lực và tiền bạc đầu tư vào khoảng 35 ha đất được giao, ông Vân đã biến một vùng rộng lớn thành trang trại kết hợp trồng rừng, nuôi gia súc có sừng (dê, bò) và nuôi cá. Năm 2011, sau khi thẩm định việc trồng rừng, nuôi gia súc của hộ gia đình ông Vân, UBND huyện Bác Ái cấp chứng nhận đạt các chỉ tiêu kinh tế trang trại cho hộ gia đình ông Đăng Hồng Vân.

Theo đại diện UBND huyện Bác Ái, trong nhiều năm qua, huyện đã kêu gọi các DN về đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương nhưng hầu hết DN chỉ đến khảo sát rồi không trở lại vì vùng đất Bác Ái bạc màu, khó có thể phát triển kinh tế. Do đó, việc trồng rừng và làm kinh tế trang trại của gia đình ông Vân là một điển hình cần nhân rộng, cần được xét công.

Bị xét tội

Thế nhưng, năm 2012, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập một đoàn thanh tra về sử dụng đất ở huyện Bác Ái. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, tháng 9/2012, UBND tỉnh Ninh Thuân đã ban hành kết luận thanh tra; trong đó, xác định có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất ở địa phương này. Đặc biệt, hộ gia đình ông Vân bị quy kết là lấn chiếm hơn 34 hecta đất rừng. Với kết luận trên, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu CQĐT tiếp tục làm rõ để xử lý đối với việc “lấn chiếm đất” của ông Vân.

Điều đánh nói hơn, trong diện tích đất mà ông Vân bị quy kết là lấn chiếm có cả diện tích 20 hecta đã được UBND huyện Bác Ái cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, ông Vân còn bị quy kết là “lấn chiếm” đất do Cty lâm nghiệp Tân Tiến quản lý.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Trần Anh Vũ - Giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến - khẳng định “không có việc lấn chiếm”. Theo ông Vũ, đây là phần đất bạc màu, Cty không sử dụng nên khi ông Vân dùng thép gai  rào diện tích đất ông được giao có rào cả diện tích bỏ hoang của Cty. Khi đó, Cty đã làm việc với ông Vân và ông Vân khẳng định chỉ rào bảo vệ khu đất. Việc ông Vân dùng thép gai “quây” diện tích đất trên không gây thiệt hại về rừng nên Cty đã đồng ý. 

Ngay khi đoàn thanh tra có dự thảo kết luận, UBND huyện Bác Ái đã có văn bản đề nghị xem xét lại những nội dung không phù hợp trên. Theo UBND huyện Bác Ái, diện tích đất mà ông Vân quản lý, sử dụng là có căn cứ nên huyện đã cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với phần đất bị quy kết là lấn chiếm vốn là đất bạc màu, tương đối xấu, không có cây rừng tái sinh và hiện nay ông Vân đã phủ xanh bằng cây Nem, Cóc hành và đề nghị để hộ gia đình ông Vân tiếp tục sử dụng.

Công sức trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc của ông Vân và đề xuất của địa phương hợp tình, hợp lý không được xem xét mà UBND tỉnh đã chỉ đạo CQĐT thực hiện việc “xét tội” đối với ông Vân.

Ngày 16/4/2013, Sở Tài chính Ninh Thuận tổ chức họp các cơ quan liên quan để “xác định giá trị” thiệt hại theo trưng cầu giám định của CQĐT làm cơ sở xử lý đối với việc “khai hoang trái phép”. Số phận người có công trồng rừng phủ xanh đồi trọc sẽ đi về đâu khi cơ quan có thẩm quyền có những nhận định, đánh giá thiếu công tâm và trách nhiệm như vậy?.

Về việc “trồng rừng trên đất lấn chiếm” là công hay là “tội”, Luật sư Ngô Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Hà Giang trao đổi:

- Thưa Luật sư, việc người dân trồng rừng trên đất rừng chưa được giao thì nên khen hay nên phạt, thưa ông?

- Theo tôi, ông Vân có trồng rừng trên diện tích đất trống đồi trọc, chưa được giao hợp pháp nhưng có sự đồng ý của chủ sử dụng đất. Dưới góc độ pháp luật dân sự, việc là trên là không sai.

Về phương diện quản lý nhà nước, trồng rừng trên đất chưa được giao nhưng không gây thiệt hại mà trái lại còn làm lợi cho Nhà nước thì cần phải xem xét giao đất cho người đang trực tiếp quản lý nếu việc sử dụng đất là phù hợp với mục đích và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Điều 97, Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, không có tranh chấp, sử dụng đất có hiệu quả thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất nông nghiệp và cho thuê đối với phần vượt hạn mức.

- Ông đánh giá thế nào về hướng xử lý vụ việc của UBDN tỉnh Ninh Thuận?

- Việc sử dụng đất của ông Vân có căn cứ hay không có căn cứ thì đều mang lại lợi ích cho nhà nước và hộ gia đình, đặc biệt khi việc sử dụng đất phù hợp với mục đích, quy hoạch và lại là mô hình cần khuyến khích đầu tư. Do đó, đối xử với người dân bằng việc xét tội thay vì xét công là không công bằng.

- Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm