Tuổi “mi ni” đi phá thai
Buổi chiều, tại khoa sản một bệnh viện ở TP HCM, khu vực đình chỉ thai nghén tấp nập người, đông nhất là nam thanh nữ tú tuổi đôi mươi. Những cô gái tuổi 19, 20 đi… phá thai chẳng còn làm ai tò mò bởi nhan nhản, không còn được xem là “đối tượng” đặc biệt. Không ít nữ sinh cấp 3 còn mặc nguyên đồng phục đi theo nhóm hay cả những bé gái loắt choắt cũng có mặt ở nơi “nhạy cảm” này.
“Nổi bật” nhất là một cô bé nhỏ choắt tầm 11, 12 tuổi đeo khẩu trang kín mít theo sau mẹ. Cô bé ngồi một chỗ ở ghế bấm điện thoại chơi điện tử, mọi thủ tục người mẹ lo hết, chỉ đến khâu điền tên, hỏi tuổi trước khi vào phòng khám, người mẹ mới gọi cô bé lại.
Cô nhân viên ghi sổ bệnh hỏi một cách thản nhiên như một việc đã quen: “Học lớp mấy?”. Bà mẹ nhỏ nhẹ trả lời con tôi học lớp 7 thì cô con gái giật tay mẹ nhăn nhó, người mẹ ú ớ: “Ờ, cháu nó nghỉ học rồi”.
Cũng như bao đàn chị có mặt ở đây, cô bé cùng mẹ ngồi trước cửa phòng khám chờ đến lượt. Sau khi đi siêu âm, hai mẹ con ngồi đọc và ký cam kết vào phiếu phá thai bằng thuốc.
Tuần thai trong bụng cô bé có thể xử lý được bằng thuốc còn được xem là may mắn khi được phát hiện sớm. PGS.TS Vũ Thị Nhung, nguyên giám đốc bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, rất nhiều trường hợp các nữ sinh chỉ mới 13, 14 tuổi đến viện “giải quyết” khi cái thai đã rất lớn, 6 - 7 tháng, việc xử lý lúc này rất phức tạp và nguy hiểm.
Trường hợp này không ít do nhiều em không biết mình có bầu hoặc biết tìm cách giấu diếm. Còn bố mẹ chưa đủ quan tâm con cái để nhận ra thay đổi ở con. Con có quan hệ tình dục, có bầu mà nhiều phụ huynh không hay biết hoặc biết thì sốc vì “không tin nổi”.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải chua xót kể rằng, có những bé gái ngồi trên ghế, chân chưa chạm đất, tay cầm truyện tranh đọc… để chờ đến lượt bỏ thai.
Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm Việt Nam có khoảng 70 ngàn ca phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên chưa gia đình, trong đó, có những em mới 15 tuổi đã hai lần bỏ thai...
Lỗ hổng của giáo dục giới tính
Việc trẻ em sớm… làm mẹ bất đắc dĩ là hậu quả của việc né tránh giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ. Người lớn còn nặng tư tưởng cấm đoán trong khi trẻ con bây giờ… chuyện gì cũng biết nhưng biết một cách sai lệch vì không được trang bị những kiến thức khoa học.
PGS.TS Vũ Thị Nhung bày tỏ một số chương trình giáo dục giới tính muốn tổ chức ở trường học nhưng phụ huynh phản đối, cho rằng như vậy là đang chỉ đường “hư” cho trẻ. Cấm đoán, né tránh nên khi phát hiện chuyện “tày đình”, hầu hết phụ huynh đều bị rơi vào thế bất ngờ, sốc.
Một giáo viên dạy Văn ở Tân Bình kể về trường hợp cô học trò lớp 8 của mình đi bỏ thai và bà nói rằng nhiều trường việc học trò phá thai không hiếm, nhà trường biết nhưng né tránh, chẳng muốn nhắc đến.
Khi tập huấn về sức khỏe sinh sản cho giáo viên ở TP HCM, bác sĩ Đặng Phi Yến (chuyên viên Sở Y tế TPHCM) cảnh báo tình trạng nữ sinh còn tranh thủ giờ chơi, xén giờ học đi… phá thai, các em còn đi theo nhóm như đi chơi. Nhiều nhân viên y tế kể việc các em mặc đồng phục học sinh đi bỏ thai rồi giục làm nhanh để kịp giờ học, giờ thi.
Đó chính là hậu quả việc thả nổi giáo dục giới tính trong gia đình và nhà trường, việc giáo dục còn hời hợt, chưa hiệu quả. Bố mẹ thường né tránh, thay vì dạy con lại dùng cách “siết” để bảo vệ trẻ nhưng thực tế là quản không nổi. Còn ở trường học, giáo dục giới tính chưa theo một lộ trình cụ thể, lỗ chỗ nơi này chút nơi kia chút có khi còn làm học trò thêm rối bời.
Không được trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân trong khi chịu rất nhiều tác động dữ dội từ tuổi dậy thì ngày càng sớm, tác động từ phim ảnh, từ các trang mạng nên học trò dễ bị “sẩy chân” với những hậu quả lâu dài.
Nhiều em ngây thơ cười nhẹ tênh khi trút được cái bụng nặng nề mà đâu biết rằng những ảnh hưởng về sức khỏe lẫn tâm lý có thể đeo đẳng mình suốt cả quãng đường đời về sau.