Các vụ phá thai tăng như "tên lửa" ở Việt Nam

(PLO) - “Các vụ phá thai tăng như tên lửa ở Việt Nam do kế hoạch hóa gia đình không tính đến người trẻ” là tiêu đề bài viết về xu hướng đáng lo ngại: nhiều người Việt Nam trẻ tuổi đang áp dụng việc phá thai như một biện pháp để tránh thai. Bài viết của tác giả Cat Barton, đăng trên tờ AFP ngày 25/11/2014.
Ông Nguyễn Văn Thao
 Ông Nguyễn Văn Thao 
Tại một nghĩa địa nhỏ ở Hà Nội, người nông dân tên Nguyễn Văn Thao đang mở chiếc tủ lạnh và lôi ra một chiếc túi có chứa những bào thai đỏ hỏn, dính máu để chuẩn bị chôn cất. Hình ảnh này gợi nhắc để thực trạng ác nghiệt rằng Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới. Theo một báo cáo của các bác sỹ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khoảng 40% các trường hợp mang thai tại nước này kết thúc bằng 1 vụ phá thai. Con số này cao gấp đôi tỉ lệ được đưa ra trong các số liệu thống kê chính thức. 
Hậu quả của sự nghèo nàn trong việc tư vấn kế hoạch hóa gia đình cho những người trẻ đã góp phần đưa đến thực trạng một số người đang dựa vào việc phá thai như một biện pháp ngừa thai. Theo thống kê của nhóm theo dõi về sức khỏe tình dục phi lợi nhuận Alan Guttmacher Institute, tại Việt Nam có đến 83 ca phá thai trên mỗi 1.000 phụ nữ đang ở tuổi sinh sản. Trong khi đó, tỉ lệ này ở phần lớn các nước châu Âu và Mỹ rơi vào khoảng từ 10 đến 23 ca nạo phá thai mỗi 1.000 phụ nữ. 
“Vào những ngày bận rộn nhất, chúng tôi nhận đến 30 bào thai”, ông Thao - người đã dẫn đầu một nhóm tình nguyện chuyên thu thập các bào thai bị bỏ như rác thải y tế từ các cơ sở phá thai tại Hà Nội trong gần 1 thập kỷ qua cho hay. Trong khi đó, tình nguyện viên Nguyễn Thị Quý thường giúp ông Thao chuẩn bị vải liệm cho các bào thai trước khi chôn cất chúng tại nghĩa trang cho biết không thế nhớ được chính xác nhóm đã chôn cất bao nhiêu bào thai như vậy.
Trong nhiều thập kỷ, giới chức Việt Nam đã thực thi chính sách 2 con bằng cách sử dụng một loạt các hình phạt hành chính và phụ cấp cho chính sách kế hoạch hóa gia đình để giới hạn tăng trưởng dân số. Đến nay, chương trình này đã được hủy bỏ nhưng tác động của chính sách này vẫn tiếp tục kéo dài. 
Phá thai cho đến nay vẫn chưa bao giờ bị cấm đoán và tỉ lệ phá thai chính thức được công bố là khoảng 500.000 ca mỗi 2,4 triệu trường hợp mang thai, tương đương 20%. Con số này chỉ tính đến những trường hợp được thực hiện tại các phòng khám của nhà nước. “Hoạt động tình dục ở người trẻ có vấn đề, còn hệ thống y tế công lại đang không phục vụ cho nhóm đối tượng này”, ông Arthur Erken - đại diện Quỹ dân số của Liên hợp quốc tại Hà Nội cho hay.
Hành vi tình dục của những người trẻ Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn trong vài thập kỷ qua, họ quan hệ tình dục trước và kết hôn sau. Song, các chuyên gia nói rằng, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình theo kiểu cũ đưa ra rất ít những lời khuyên hay các biện pháp tránh thai phù hợp cho những cặp đôi trẻ tuổi, chưa kết hôn. 
Kết quả là, các chuyên gia nghi ngờ, việc phá thai đang được nhiều người Việt Nam sử dụng như một biện pháp để ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn. “Hiện việc kiểm tra một cách hệ thống các phòng khám tư nhân vẫn chưa được thực hiện. Có thể có rất nhiều ca phá thai khác không được nêu trong các số liệu thống kê chính thức. Con số này sẽ còn tăng nữa nếu chúng ta không làm gì đó”, ông Erken nói.
Những người trẻ không am hiểu
Sự yếu kém trong việc giáo dục giới tính tại các trường học, thiếu các thông tin về sức khỏe sinh sản, không được tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đồng nghĩa với việc với nhiều người trẻ ở Việt Nam, mang thai ngoài ý muốn là một thực tế của cuộc sống. “Tôi đã làm điều đó 3 lần. Lần đầu tôi có hơi sợ hãi nhưng đến giờ thì tôi quen rồi”, Hoa - một cô gái 20 tuổi cho biết sau lần phá thai thứ 3 tại một phòng khám tư nhân ở Hà Nội. Cô gái trẻ cũng nói thêm rằng cô không hiểu sao mình vẫn liên tục “dính bầu” dù cô và bạn trai đã cẩn thận. 
Ông Lê Ngọc Bảo, đại diện của Việt Nam tại Tổ chức Kế hoạch hóa gia đình Pathfinder International cho biết, nhiều người trẻ tại Việt Nam không hề có chút kiến thức nào về ngừa thai. Bên cạnh đó, dù xã hội đang ngày càng trở nên cởi mở hơn, việc sinh con ngoài giá thú vẫn vấp phải cái nhìn cay nghiệt. “Nếu họ có bầu ngoài ý muốn, cách duy nhất để thoát khỏi tình thế này chính là phá thai”, ông Bảo cho biết.
Cũng theo ông Bảo, vì nhiều người trẻ vẫn không hiểu được hết những hậu quả tiêu cực của việc phá thai nên họ không nhìn thấy được những rủi ro của việc không sử dụng các biện pháp tránh thai. Hơn nữa, tỉ lệ phá thai cao của Việt Nam diễn ra trong lúc các số liệu thống kê cho thấy đã có sự sử dụng rộng rãi các biện pháp ngừa thai. Điều này, theo ông Bảo, là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém trong việc đưa ra những ý kiến tư vấn hay những lời khuyên trong quá trình thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình. Ở cả những phòng khám, việc tư vấn sau khi phá thai cũng rất hạn chế nên nhiều phụ nữ trẻ sau đó vẫn liên tục phá thai. 
Trong bối cảnh như vậy, bác sĩ Trần Ninh của Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện các chương trình giáo dục về tình dục và tránh thai cho những phụ nữ trẻ, chưa kết hôn.
Một phòng khám tư nhân tại Hà Nội.

Một phòng khám tư nhân tại Hà Nội. 

Áp lực sinh sản
Chính sách 2 con của Việt Nam không hà khắc như chính sách hạn chế mỗi gia đình chỉ có 1 con vốn nổi tiếng của Trung Quốc nhưng từ lâu vẫn yêu cầu các hộ gia đình chỉ được phép có 2 con. “Nếu họ có 3 đứa con thì đây sẽ là một vấn đề lớn đối với sự nghiệp của họ. Họ sẽ không được thăng chức hay tăng lương”, ông Đặng Giang, một chuyên gia tại Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng và Nghiên cứu phát triển nói. 
Ông Giang nói thêm rằng, ý nghĩ về 1 gia đình 2 con đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt và dù đã chính thức được loại bỏ nhưng giới chức các địa phương có thể vẫn mặc nhiên khuyến khích ý nghĩ này vì với họ nếu thực hiện được điều này thì sự tăng trưởng dân số sẽ được kiểm soát. 
Ngoài ra, xu hướng thích đẻ con trai cũng dẫn tới tỉ lệ các ca phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi cao ở một số khu vực nhất định của Việt Nam. Trong một nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này, Việt Nam đã quy định việc các nhân viên y tế tiết lộ giới tính thai nhi trước khi sinh là hành vi bất hợp pháp mặc dù các chuyên gia nói rằng đạo luật này khó có thể thực hiện được và vẫn thường xuyên bị phớt lờ.
Theo ông Erken (chuyên gia của UNFPA) thì kết quả của tỉ lệ phá thai cao và việc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình trong nhiều thập kỷ liên tiếp nhằm giới hạn quy mô gia đình đã khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. “Áp lực đặt lên xã hội, ví dụ như việc cải cách lương hưu là điều có thể nhận thấy rõ”, ông Erken nhận định.

Đọc thêm