Chuẩn bị nền tảng vững chắc cho hôn nhân hạnh phúc

(PLVN) - Hôn nhân là dự định lớn trong cuộc đời mỗi người, việc chuẩn bị cho hôn nhân không chỉ đơn thuần là tình yêu mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố. Trong đó, lớp học tiền hôn nhân và khám sức khỏe tiền hôn nhân dần trở thành những bước chuẩn bị quan trọng giúp các cặp đôi xây dựng nền tảng vững chắc cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền lâu.
Các workshop về “Tiền hôn nhân” giúp các bạn trẻ học cách làm vợ, làm chồng. (Nguồn: Nhà Văn hoá Thanh niên TP HCM)

Quan tâm đến sức khỏe tiền hôn nhân

Có dự định lập gia đình trong năm 2025, chị Thu Uyên (SN 1997, Hà Nội) đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong việc chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân, không chỉ đơn thuần là lên kế hoạch cho lễ cưới mà còn là những bước chuẩn bị thiết thực cho tương lai sau này. Theo kinh nghiệm từ người đi trước, chị bắt đầu xây dựng hành trang cho mình từ tâm lý, tài chính cho đến sức khỏe. Trong đó, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân được chị xem là một trong những bước quan trọng nhất.

“Ngày xưa ông bà, bố mẹ mình không có thói quen khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn nhưng ngày nay nhiều bạn trẻ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc này. Tôi nghĩ dù có định sinh em bé ngay sau cưới hay không, khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng là việc nên làm. Việc này không chỉ giúp tôi và bạn đời hiểu rõ tình trạng sức khỏe của nhau mà còn giúp phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn, từ đó có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả”, chị chia sẻ. Với sự chuẩn bị chu đáo về mặt sức khỏe, Thu Uyên tin rằng cả hai sẽ có một khởi đầu vững chắc cho cuộc sống hôn nhân.

Những năm qua, dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân bắt đầu được nhắc đến như một phần quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang trước khi cưới. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu nhằm giúp các cặp bố mẹ tránh được một số bệnh di truyền thường gặp như: Bệnh mù màu, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, hội chứng Down, bệnh máu khó đông di truyền, hội chứng Turner, hội chứng Edward,... Ngoài ra, khi biết tiền sử bệnh của bố mẹ, có thể tư vấn đến các bệnh, tật bẩm sinh sẽ xảy ra ở trẻ sơ sinh như giang mai, lậu, rubella, viêm gan B, HIV.

Trên thực tế, không không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng của khám sức khỏe trước hôn nhân giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc, ổn định lâu dài cho các cặp vợ chồng. Đáng buồn hơn, có nhiều bạn trẻ đã hiểu ý nghĩa của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn nhưng vẫn không đến bệnh viện khám. Rào cản của việc này không nằm ở chi phí mà ở quan niệm xã hội còn dè dặt, nhiều người nghĩ chỉ những người bệnh mới đi khám bệnh, mình còn trẻ mà đến bệnh viện khám sức khỏe thì ngại bạn bè, người quen dị nghị… Cùng với đó là tâm lý e ngại “khám ra bệnh” ảnh hưởng hạnh phúc lứa đôi.

Chính những tâm lý này khiến các cặp đôi có nguy cơ gặp phải những chuyện không may xảy ra như lây nhiễm bệnh, vô sinh, sinh con bị bệnh tật… Trong khi việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, tránh những gánh nặng gây ra cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội. Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh. Nhờ đó góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Từ năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, trong đó chỉ tiêu đề án giao là tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến năm 2025 đạt ít nhất 85% và năm 2030 đạt ít nhất 95%. Để thực hiện chỉ tiêu đề án giao, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch triển khai mô hình thí điểm về công tác này và thu được những kết quả đáng khích lệ.

Theo thông tin từ Chi cục Dân số Hà Nội cho biết, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn trên địa bàn Hà Nội đang tăng lên khá nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2022, tỷ lệ này chỉ đạt 31,9% thì đến năm 2023 tăng lên 53,7% và trong 6 tháng năm 2024 đã đạt 63%. Để tiếp tục tăng tỷ lệ khám sức khỏe tiền hôn nhân, trong năm 2024, Chi cục Dân số Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về Luật Hôn nhân và Gia đình. Tầm soát, khám sàng lọc cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn. Tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại cộng đồng…

Để xây dựng một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, ngoài tình yêu cần có nhiều yếu tố, trong đó có một sức khỏe khỏe mạnh là yếu tố quan trọng. Các bác sĩ, chuyên gia về dân số khuyến cáo rằng khám sức khỏe trước kết hôn là một bước quan trọng để sàng lọc các vấn đề sức khỏe, giúp phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, từ đó tránh được những hệ lụy không đáng có cho cuộc sống vợ chồng và tương lai con cái.

Học cách làm vợ, làm chồng

Trong xã hội hiện đại, người trẻ thường sở hữu nhiều phẩm chất nổi bật như cá tính, độc lập và linh hoạt. Những điều này giúp họ dễ dàng thu hút nhau trong tình yêu, nhưng khi sống chung dưới một mái nhà, việc bảo vệ cái tôi của mình có thể trở thành một thách thức. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng và tinh thần trước khi bước vào hôn nhân sẽ giúp họ đối mặt với những thử thách cả trước và sau khi kết hôn một cách dễ dàng hơn, đồng thời tạo hành trang vững chắc cho hành trình xây dựng hạnh phúc lứa đôi.

Hiện nay, nhiều lớp học và workshop tiền hôn nhân đã được tổ chức bởi các trung tâm tư vấn tâm lý, trung tâm đào tạo kỹ năng sống hay các Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên. Thông qua những bài học và hoạt động thực tiễn, các cặp đôi có cơ hội tìm hiểu sâu sắc về nhau, xây dựng sự thấu hiểu và đồng cảm. Đối với nhiều bạn trẻ, các lớp học tiền hôn nhân có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Nếu kết hôn nhưng “mù mờ” cách để hôn nhân hạnh phúc, bền vững, hoà hợp lẫn nhau thì rất dễ xảy ra xung đột, cãi vã. Đây cũng là một trong những lý do có thể dẫn đến ly hôn sau này.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 2 triệu lượt kết hôn và tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, tức là cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn. Nhóm có tỷ lệ ly hôn cao nhất thuộc về giới trẻ, từ đủ 18 - 30 tuổi, tỷ lệ này chiếm tới 70%. Đặc biệt, nhóm tuổi này ly hôn trong khoảng thời gian từ 1 - 5 năm chung sống là nhiều nhất, chiếm tới 60%, thậm chí có những trường hợp đến với nhau chỉ vài tháng hoặc vài ngày. Ngoại tình hay khác biệt lối sống là 2 trong số nhiều nguyên nhân được đưa ra trong các vụ ly hôn ở độ tuổi từ 18 - 30.

Chính vì vậy, để không “kết hôn vội vàng - ly hôn chóng vánh” các lớp học tiền hôn nhân được coi là bài học cần thiết trong hành trình kết hôn của mỗi cặp đôi. Đây là nơi họ được trang bị kiến thức và tâm lý cần thiết trong hôn nhân; học cách làm vợ, làm chồng sẽ như thế nào, ứng xử với nhau, xử lý các tình huống ra sao cho hạnh phúc, thuận hòa, tránh lụi tàn trong hôn nhân, tránh ly hôn. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến cuộc sống như kỹ năng giao tiếp hiệu quả, quản lý tài chính gia đình, lên kế hoạch cho tương lai, khám sức khỏe tiền hôn nhân, chuẩn bị cho sinh con,… cũng được lồng ghép trong các lớp học.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ tiền hôn nhân được coi là điều kiện tiên quyết để đăng ký kết hôn. Ở Úc, một trong những yêu cầu để đăng ký kết hôn là các cặp đôi phải hiểu rõ ý nghĩa của hôn nhân và tự nguyện chấp nhận trở thành vợ chồng của nhau. Trong khi đó, ở Pháp, những người muốn kết hôn cần phải viết một lá thư tay thể hiện mong muốn kết hôn và chỉ định danh tính của người vợ hoặc chồng tương lai. Lá thư này cũng có thể nêu rõ các điều kiện cuộc họp, mức độ hiểu biết giữa hai bên và kế hoạch cho cuộc sống sau khi kết hôn. Tại Indonesia, Chính phủ cũng đã thiết kế một chương trình mới yêu cầu tổ chức các lớp học tiền hôn nhân bắt buộc cho các cặp đôi chuẩn bị lập gia đình.

Ở nước ta, chỉ một số ít người trẻ nhận thức rõ sự cần thiết của lớp học tiền hôn nhân. Trên thực tế, việc tham gia lớp học này không phải là tấm bằng bảo đảm cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng nó cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết, giúp hạn chế tình trạng kết hôn thiếu hiểu biết, từ đó giảm thiểu tỷ lệ ly hôn đang tăng cao ở giới trẻ Việt Nam.

Đọc thêm