Chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

(PLVN) - Đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị hàng chục năm, hoặc hơn trước khi đưa nhà máy điện hạt nhân được đưa vào vận hành. Do đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân. (Ảnh: TTXVN)

Vấn đề then chốt để phát triển điện hạt nhân

Quốc hội đã quyết định tái khởi động lại dự án điện hạt nhân. Trong đó, nguồn nhân lực thực hiện dự án này là một trong những vấn đề rất quan trọng. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để phục vụ cho chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn nhân lực kể cả trong ngắn và dài hạn là vô cùng cần thiết, kể cả nhân lực làm công tác nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân cho đến nguồn nhân lực kỹ thuật để vận hành các dự án điện hạt nhân.

PGS. TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế, một nhà máy điện hạt nhân cỡ 1GW điện cần nguồn nhân lực cho 3 bộ phận với tổng cộng từ 700 - 750 nhân lực, nếu có một tổ máy. Nếu số lượng tổ máy tăng lên mức từ 2 - 3, sẽ cần đến khoảng 1.000 nhân lực. Số nhân lực được chia ở các bộ phận khác nhau, bao gồm bộ phận an toàn, pháp chế, vận hành. Hiện nay, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo được khoảng 188 kỹ sư về ngành điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều học viên trong số đó đã chuyển sang ngành nghề khác, trong khi một số người vẫn ở lại nước ngoài học tập.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, giai đoạn đến 2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-QH của Quốc hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 429 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga, trong đó có 80 sinh viên là người Ninh Thuận; EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, cử đi đào tạo Lớp cán bộ khung gồm 24 kỹ sư tại Nhật Bản, đã làm việc với ROSATOM để xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu rà soát, thống kê cụ thể về tình hình thực tế hiện nay đối với số nhân lực đã được đào tạo nêu trên nhưng nhiều khả năng chỉ một số ít trong số nhân lực nêu trên hiện đang làm việc tại EVN, còn phần đông làm việc ở nước ngoài hoặc chuyển sang các ngành, nghề khác.

Trong khi đó, theo Nhà giáo Ưu tú, PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh, việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị hàng chục năm, hoặc hơn trước khi đưa nhà máy điện hạt nhân được đưa vào vận hành.

Gấp rút rà soát, tìm kiếm nhân lực cho dự án

Trước tình huống cấp bách phải gấp rút đào tạo nguồn lực phục vụ việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trong quý I, Bộ sẽ chủ trì cùng các Bộ, ngành có liên quan, EVN - với tư cách là chủ đầu tư, xây dựng nhu cầu đào tạo, quy mô đào tạo, trong đó phải rà soát, xác định số nhân lực đã được đào tạo ở những năm trước để từ đó xác định cụ thể về quy mô đào tạo, lĩnh vực kỹ thuật cần đào tạo, đối tác phối hợp…

“Việc này phải làm ngay, kể cả việc rà soát nguồn nhân lực chúng ta đã đào tạo trước đây thì bây giờ tái sử dụng được bao nhiêu, có cần phải đào tạo lại hay không” - Bộ trưởng Diên nói.

Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu đào tạo tự đánh giá và Bộ Công Thương cũng phải lập Hội đồng để đánh giá khả năng đào tạo của các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, không phải trường nào cũng có thể lập ra khoa, phòng hay viện để đào tạo, mà có thể liên kết, hợp tác với nhau trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo phát triển nhân lực điện hạt nhân. Theo đó, các khoa, bộ môn, viện của các trường có thể hợp tác với nhau và cần có cơ chế dùng chung các phòng thí nghiệm mới khai thác triệt để tính năng hiệu quả của các phòng thí nghiệm. Cần hợp tác với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt…

Đồng thời muộn nhất trong quý III/2025, Bộ Công Thương, EVN và các cơ sở nghiên cứu đào tạo phải tăng cường, đàm phán, ký kết hợp tác quốc tế, kể cả hợp tác trong nước để đào tạo.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về điện hạt nhân sớm họp để xác định các công việc cần làm, phân công các tổ chức, cá nhân thực thi các nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể; kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo và thông qua Quy hoạch điện VIII sửa đổi, trong đó có quy hoạch về điện hạt nhân; kiến nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách phù hợp, đủ mạnh, khả thi cho việc phát triển điện hạt nhân, đào tạo nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, chế độ chính sách cho người lao động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và năng lượng nguyên tử; kiến nghị cho chủ trương đàm phán, ký kết hợp tác với các đối tác phát triển để hỗ trợ đào tạo và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực…

Đọc thêm