Chung cư sang trọng bậc nhất Hà Nội Pacific Place bị dân tố cáo

(PLO) - Sau hàng loạt các vụ việc lình xình giữa cư dân và các chủ đầu tư, ban quản lý ở các tòa chung cư dành cho người thu nhập thấp thì mới đây, đến lượt các cư dân của “siêu chung cư” Pacific Place cũng đồng loạt tố cáo nhiều dấu hiệu sai phạm tại tòa nhà này.

Chung cư sang trọng bậc nhất Hà Nội Pacific Place bị dân tố cáo
Trong các cuộc tranh cãi, chủ đầu tư luôn nắm “kèo trên” và cư dân thường buộc phải chấp nhận thực tế, chủ đầu tư là người duy nhất cung ứng các dịch vụ, tiện ích trong toàn bộ tòa nhà mà không thể thay thế được. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ can thiệp ở mức... giữ an ninh trật tự, còn tác động về chính sách không rõ ràng.
Phí dịch vụ chung cư đang là nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư/ban quản lý. Từ chung cư cao cấp tới chung cư bình dân, câu chuyện về phí dường như không còn nằm trong “ranh giới”của những sự tranh cãi về giá trị đồng tiền.
Mới đây, tờ Vietnamnet đưa tin về sự việc chủ đầu tư tòa nhà Pacific Place 83B Lý Thường Kiệt – Cty CP Trung tâm thương mại Ever – Fortune xây dựng ba thang máy từ sân chung lên tầng 11 đã vấp phải sự phản kháng của cư dân tòa nhà.
Đang trong thời gian đình chỉ, vẫn cố ý xây dựng?
Theo các hộ dân: công trình xây dựng này là trái phép, không có trong thiết kế ban đầu, ảnh hưởng đến hành lang chung của khu dân cư, bịt kín toàn bộ cửa thoát hiểm và thoát khói duy nhất của tòa nhà khi có hỏa hoạn, che kín 1/2 ban công của các hộ liền kề từ tầng 1 đến tầng 13, đồng thời phá vỡ cảnh quan không gian kiến trúc của tòa nhà…
Trước phản ánh của cư dân, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Trần Hưng Đạo đã hai lần ra QĐ yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 5/2014, một số hộ dân cho biết họ phát hiện một số công nhân tiếp tục xây dựng ở phần công trình đang được yêu cầu tạm đình chỉ thi công này.
Sự việc được báo lên chính quyền phường Trần Hưng Đạo và BQL tòa nhà Pacific Place.
Chiều ngày 30/5, PCT UBND phường Trần Hưng Đạo, ông Phạm Sơn Hà, đại diện thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm, đại diện chủ đầu tư và đại diện khu dân cư đã có buổi họp để ghi nhận sự việc.
Sau khi trực tiếp thị sát để ghi lại hiện trạng khu vực đang tiến hành lắp dựng thang máy của chủ tòa nhà, các bên đã thống nhất việc chủ đầu tư phải chấp hành việc dừng thi công cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Giải thích với đại diện cư dân và đại diện các ban ngành của phường Trần Hưng Đạo, GĐ điều hành tòa nhà, bà Ngô Thu Vân cho biết: việc công nhân vào khu vực đang bị đình chỉ xây dựng là để vệ sinh, che đậy các vật liệu, thiết bị đã được lắp đặt dở. Chủ đầu tư cam kết sẽ ngừng xây dựng cho đến khi có chỉ đạo cuối cùng của chính quyền sở tại, nếu không sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phản bác lại giải thích của đại diện tòa nhà, cư dân cung cấp các bằng chứng cho thấy, những công nhân mà họ bắt gặp đang xây lắp (tường ở khu vực sân tầng 1) chứ không phải làm vệ sinh. Khi người dân quay phim, chụp ảnh sự việc, những người này đã… bỏ chạy!!!
Không đồng nhất các văn bản pháp lý
Phía chủ đầu tư, Cty CP Trung tâm thương mại Ever – Fortune, chủ tòa nhà Pacific Place 83B Lý Thường Kiệt cho rằng, việc xây dựng ba thang máy đã được Sở Xây dựng Hà Nội cho phép bằng văn bản số 21/SXD-QLCP về việc chấp thuận cho Ever – Fortune được cải tạo, lắp dựng 03 thang máy này.
Văn bản số 8054 của Sở Xây dựng ngày 23/10/2013 về việc trả lời đơn thư công dân tiếp tục nhắc đến văn bản số 21 mà chính Sở này đã ban hành chấp thuận này.
Tuy nhiên, các cư dân tiếp tục phản đối với lý do: việc chấp thuận của Sở Xây dựng bằng văn bản số 21 là không thuyết phục và không có tính pháp lý.
“Đây (công văn 21) chỉ đơn thuần là một công văn chấp thuận. Việc thiết kế, thi công 3 thang máy này làm thay đổi kiến trúc bên ngoài tòa nhà thuộc trường hợp phải xin cấp Giấy phép xây dựng hoặc Giấy phép xây dựng điều chỉnh.
Điều này được quy định rõ tại NĐ 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012. Công văn này không được phép hiểu đó là Phụ lục riêng của Giấy phép xây dựng” - cư dân tố.
Thời điểm hiện tại, ba buồng thang máy đang được Ever – Fortune xây dựng nằm trên phần sân chung tầng 1 tại khu vực lối đi chung và chắn trước sảnh; kết cấu thép tiền chế, không móng, từ tầng 1 đến tầng 13. Do đang trong quá trình tạm đình chỉ thi công, chủ đầu tư quây lưới, bạt kín từ trên xuống, bên trong ngồn ngang các vật liệu đang thi công dở, hệ thống giàn giáo…
“Thực trạng này cũng không đúng như trong chấp thuận của Sở Xây dựng tại công văn số 21. Sở chỉ chấp thuận cho Ever – Fortune xây lắp 3 thang máy ở trong sân, áp sát khối văn phòng của tòa nhà Trung tâm Thương mại Pacific Place; lắp dựng từ tầng 1 đến tầng 11, kết cấu BTCT, diện tích tầng 1=40m2.
Chiếu theo văn bản chấp thuận này, Ever – Fortune đã xây dựng sai so với văn bản cho phép, đó là chưa nói đến tính pháp lý của CV 21” – chị Nguyễn Thu Hà, đại diện cư dân phản ánh.
Trước những diễn biến của vụ việc, PCT UBND quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoa đã ký ban hành thông báo số 06 ngày 22/1/2014; thông báo số 134 ngày 20/2/2014 về việc trả lời đơn thư công dân.
UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị Sở Xây dựng xem xét lại văn bản số 21 về việc chấp thuận cho chủ đầu tư Ever – Fortune được lắp thêm 3 thang máy; yêu cầu Sở XD báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP. HN.
UBND quận Hoàn Kiếm cũng yêu cầu Ever – Fortune tạm dừng việc thi công, xây dựng.
Phía chủ đầu tư cho biết: Ever – Fortune bức xúc trước công văn 134 của UBND quận Hoàn Kiếm khi nó có những mâu thuẫn với văn bản số 06 trước đó do chính quận Hoàn Kiếm ban hành.
Thông tin tại buổi làm việc với đại diện các hộ dân và chủ đầu tư vào chiều ngày 30/5, PCT UBND phường Trần Hưng Đạo, ông Phạm Sơn Hà, cam kết: phường sẽ có trách nhiệm giám sát giữ nguyên hiện trạng; chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong thời gian UBND TP. Hà Nội cho ý kiến chỉ đạo cuối cùng.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2007, Pacific Place là một trong những tòa nhà sang trọng hiện đại bậc nhất của Hà Nội. Chủ đầu tư, CTy CP Trung tâm thương mại Ever – Fortune thuộc Tập đoàn đầu tư Mapletree (Singapore) đầu tư theo hình thức thuê đất 50 năm. 
Tranh cãi về giá dịch vụ
Trước đó, như báo PLVN đã đưa tin, hàng trăm cư dân sinh sống tại khu chung cư cao cấp Sky City Towers (88 Láng Hạ, quận Ba Đình) đã phản đối chủ đầu tư áp những khoản thu bất hợp lý, trong đó phí giữ ôtô lên đến 2,5 triệu đồng/tháng, phí quản lý 8.000 đồng/m2/tháng. Ban quản lý tòa nhà lập luận, tầng hầm thuộc sở hữu của Cty TNHH Hanotex và Cty có toàn quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh trong khu vực này theo đúng quy định của pháp luật.
 
Trong khi đó, người dân cho rằng, chủ đầu tư tự áp đặt mức giá, và mức thu 8.000 đồng/m2/ tháng tiền dịch vụ được qui định dành cho các khu đô thị có tiêu chuẩn 5 sao, mà những điều kiện này Sky city không đáp ứng được. Còn phí trông giữ ô tô thì cao gấp đôi quy định của thành phố được quy định tại QĐ số 107/2009/QĐ – UBND về phí trông – giữ xe trên địa bàn thành phố. Mức thu đó của chủ đầu tư khiến một căn hộ khoảng 150m2, gửi 1 ô tô, 2 xe máy sẽ mất khoảng 4 triệu đồng tiền dịch vụ mỗi tháng. 
 
Vụ “lùm xùm” nổi tiếng đầu tiên về vấn đề phí chung cư ở Hà Nội diễn ra taị khu vực tòa nhà The Manor (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) từ 5 năm về trước. Cách đây 5 năm, cư dân Khu đô thị The Manor đã lên tiếng phản đối chủ đầu tư Bitexco đặt ra mức phí dịch vụ "trên trời" (phí thang máy, vệ sinh... 166 USD/tháng, gửi xe ô tô là 100 USD/tháng, xe máy 10 USD/tháng).
 
Ban đầu, chủ đầu tư tòa nhà tuyên bố, không có chuyện nhượng bộ. Suốt một thời gian dài, đa phần cư dân ở đây không chịu nộp khoản tiền này. "Bất lực", Ban quản lý The Manor đã phải áp dụng biện pháp cuối cùng: Cắt nước của các hộ dân.
 
Không cam chịu, các hộ phản ứng quyết liệt; thậm chí, nấu ăn ngay tại văn phòng của Bitexco. Cao điểm, sự cãi vã giữa hai bên khiến CA sở tại phải can thiệp. Suốt 5 năm qua, việc "đấu tranh" của cư dân The Manor cũng đi đến hiệu quả.
 
Thay vì Cty Bitexco, Cty CP Quản lý Bất động sản Bình Minh Thăng Long đang quản lý chung cư cao cấp này. Năm 2012, theo thỏa thuận giữa cư dân và Cty CP Quản lý Bất động sản Bình Minh Thăng Long, mức thu phí dịch vụ tại The Manor là 10.000 đồng/tháng/m2.
 
Phần phí dịch vụ thì đã ổn nhưng tranh chấp giữa cư dân và Cty Bitexco về sở hữu tầng hầm vẫn chưa ngã ngũ và cư dân vẫn đang phải nộp mức phí trông giữ xe ô tô do Cty Bitexco đưa ra.
 
Mâu thuẫn về mức phí chung cư không chỉ xảy ra ở phân khúc chung cư cao cấp, mà còn ở cả các chung cư trung bình. Ở chung cư nào, câu chuyện phí cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. 

Chuyên mục bảo vệ NTD của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com
 

Đọc thêm