Không đúng thông lệ, không được chấp nhận?
Trước khi có Luật Công chứng và Nghị định 79/CP về chứng thực, các phòng công chứng ngoài xác nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch còn “kham” luôn cả việc chứng thực giấy tờ bản sao và chữ ký người dịch. Công việc quá nhiều dẫn đến tình trạng ùn tắc, quá tải.
Hình ảnh thường thấy ở các phòng công chứng những năm 2000 là cảnh người dân chen chúc, chờ đợi khi có yêu cầu về công chứng. Từ đó dẫn đến nhiều tiêu cực như chen lấn, cò mồi... Luật Công chứng có hiệu lực, công chứng và chứng thực tách bạch thì việc chứng thực chữ ký người dịch đã được giao về cho các Phòng Tư pháp.
Từ đây, công chứng đã được giảm tải một cách rõ ràng. Chủ trương giao chứng thực về cho cơ sở được đánh giá có nhiều thành công, giảm tải cho các tổ chức hành nghề công chứng.
Tuy nhiên, việc giao chứng nhận chữ ký người dịch cũng nảy sinh những bất cập. Theo phản ánh của nhiều địa phương, họ không đủ nhân lực để làm công việc này. Hiện nay, ngoài các quận huyện ở các thành phố lớn có thể có đến gần chục biên chế, thì các Phòng Tư pháp ở tỉnh lẻ chủ yếu có từ 3 - 5 biên chế, chưa kể một số nơi vùng sâu, vùng xa con số còn ít hơn.
Dù được giao quyền chứng thực chữ ký người dịch nhưng hầu hết các cán bộ tư pháp đều không có trình độ ngoại ngữ, khi chứng thực chữ ký họ không thể hiểu nổi nội dung bản dịch là gì, đúng hay sai so với bản gốc (đành rằng việc chứng thực chữ ký chỉ là hình thức, còn nội dung do người dịch chịu trách nhiệm) nhưng cũng gây không ít phiền toái nếu có tranh chấp.
Thẩm quyền là một chuyện, vấn đề quan trọng hơn là việc chứng thực tại Phòng Tư pháp gây nhiều bất tiện cho người dân. Nhiều người dân phản ánh giấy tờ có chứng thực của cơ quan hành chính đem ra nước ngoài không được chấp nhận.
Vì theo thông lệ, ở nước ngoài, việc chứng thực chữ ký người dịch được thực hiện bằng các phiên dịch viên có tuyên thệ và do các công chứng viên được bổ nhiệm chứng thực (mà không phải chứng thực của chính quyền). Khi giấy tờ đã chứng thực không được chấp thuận, người dân phải mất công tìm đến các sứ quán, vừa mất công lại chi phí lớn. Đó là chưa kể việc quản lý đội ngũ dịch thuật khi giao về cho cơ quan hành chính cũng bộc lộ nhiều khó khăn.
Giao lại là thuận lợi cho người dân
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) mới nhất được trình tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề cập việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên.
Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cho rằng, về lâu dài việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết.
Tuy nhiên, trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước đang làm hiện nay sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh Công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên.
Để bảo đảm cân đối về nhiệm vụ giữa tổ chức hành nghề công chứng và các Phòng Tư pháp quận, huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu một phần ý kiến của Đại biểu Quốc hội và chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng khẳng định: “Việc giao lại chứng nhận bản dịch cho công chứng viên sẽ bảo hộ khách hàng tốt hơn, bảo đảm công tác quản lý cũng tốt hơn”.