Chúng ta “hung dữ” từ bao giờ?

(PLVN) - Người Việt xưa nay được biết đến với xứ sở trọng tình nghĩa và chúng ta cũng thường nói tới “tình nghĩa” nhiều nhất… Thế nhưng, từ bao giờ, người Việt đã trở nên “hung dữ” đến đau xót, kinh hoàng?...
Cô gái xinh đẹp và chồng sắp cưới trước khi bị tạt axit

Từ nghịch tử giết cha

Do bị nhắc nhở vì đi xe máy nẹt pô gây ồn ào trong xóm, đứa con côn đồ liền dùng cán cuốc đánh bố nhiều nhát, khiến bố gãy 3 xương sườn và đa chấn thương. Theo cáo trạng, vào khoảng 17h ngày 21/11/2018, trong lúc điều khiển xe mô tô đi về nhà ở buôn Mnút, Y Hanh đã nẹt bô xe máy. Y Hanh về tới nhà và vào bếp lấy cơm ăn thì ông Kpă Tam (bố đẻ của Ksơr Y Hanh) nói: “Không nên dùng cái pô này, gây ồn ào trong xóm”.

Bố vừa dứt lời, Y Hanh ném chén cơm xuống nền nhà. Ông Kpă Tam cầm gậy đuổi theo. Bố con xung đột. Y Hanh cầm một cái cuốc cán dài tấn công bố. Bản kết luận pháp y thương tích của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk xác định ông Kpă Tam bị gãy xương gò má, vỡ xoang hàm trái, gãy 3 xương sườn. Tỷ lệ thương tích là 36%. Đây không phải là vụ việc nghịch tử côn đồ ra tay với đấng sinh thành trong thời gian gần đây. 

Mới đây khoảng 11h30 ngày 16/5, do mâu thuẫn với bố đẻ là ông Vũ Hoàng Ân (SN 1954), trú tại số nhà 46, đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Vũ Hoàng Hợp (SN 1983) đã sử dụng dao, kéo đâm ông Ân nhiều nhát vào người, khiến ông  gục xuống đất. Chưa dừng lại ở đó, Hợp còn dùng cả búa để đập vào đầu bố mình. Hậu quả, nạn nhân mất nhiều máu và tử vong tại chỗ. Gây án xong, Hợp đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Tại cơ quan công an, bước đầu đối tượng khai nhận, do nhiều lần xin tiền mua xe ô tô hành nghề taxi nhưng ông Ân không cho nên giữa bố con Hợp xảy ra mâu thuẫn. Trưa 16/5, trong khi ông Ân đang nấu cơm thì giữa 2 bố con tiếp tục xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau, bực tức Vũ Hoàng Hợp đã dùng tuốc nơ vít, dao, búa sát hại chính bố đẻ mình.

Chiều 26/5, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nghiêm Thị Nhi (48 tuổi), ngụ tại thôn 9, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) để điều tra hành vi “giết người”.

Nghi can Nhi được xác định gây ra vụ thảm án rúng động sát hại 3 bà cháu là bà Hoàng Thị Vượng (71 tuổi) và hai cháu nội là Đàm Đức Tiến (4 tuổi) và Đàm Thị Nguyên Thảo (3 tuổi), ngụ cùng thôn với đối tượng. Theo lời khai của Nghiêm Thị Nhi, sở dĩ ra tay sát hại bà Hoàng Thị Vượng (71 tuổi) và hai cháu nội là Đàm Tiến Đức (4 tuổi) và Đàm Thị Nguyên Thảo (3 tuổi), cùng ngụ tại thôn 9, xã Tân Thanh là do mâu thuẫn từ trước.

Trưa ngày 24/5, bà Hoàng Thị Vượng dẫn hai cháu đi chơi, khi ngang qua nhà Nghiêm Thị Nhi thì phát hiện có cây bơ lớn sau nhà. Bà Vượng dẫn hai cháu nhỏ vào để xin vài quả. Tại đây, do có xích mích từ trước nên Nghiêm Thị Nhi chửi mắng bà Vượng là “không biết dạy con”.

Nghiêm Thị Nhi dùng dao chém nhiều nhát vào người bà Hoàng Thị Vượng khiến nạn nhân tử vong. Hai cháu nhỏ ngây thơ chỉ 3 và 4 tuổi mặc dù không có mâu thuẫn gì nhưng đối tượng này vẫn lạnh lùng dùng dao sát hại. Sau khi giết chết cả 3 bà cháu bằng dao, Nghiêm Thị Nhi đào hồ, kéo xác các nạn nhân xuống chôn giấu cách hiện trường gây án khoảng 50m.

Về vụ nghịch tử, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của nghi phạm không những đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự, xâm phạm đến quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản nhất của con người.

Nghi phạm là người đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực pháp luật nhưng thiếu tu dưỡng bản thân, đang tâm sát hại cha đẻ của mình chỉ vì sự ích kỷ của bản thân. Hình phạt nào đối với người con trước pháp luật cũng không thể bằng bản án lương tâm trong suốt cuộc đời còn lại của kiếp người…

Về vụ sát hại ba bà cháu, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng bày tỏ, thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ giết người hàng loạt với tính chất ngày càng dã man, tàn bạo không còn tính người vì những nguyên cớ nhỏ nhặt đã gây hoang mang, lo sợ trong dư luận xã hội.

Với vụ án sát hại 3 bà cháu ở Lâm Đồng, hành vi phạm tội của đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng đã tước đoạt đi quyền được sống của người khác trái pháp luật. Trong cùng một thời điểm, đối tượng đã sát hại 3 người, trong đó có 2 người là trẻ em, 1 người là người già. Đây là những đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ...

Và trở lại vụ án Cao Thị Mỹ Duyên, cô gái bán gà bị cả “bầy thú” hãm hiếp tới chết tức tưởi vào những ngày Tết vừa qua. Chúng ta căm phẫn các đối tượng hãm hiếp sát hại em thì càng kinh ngạc về người mẹ máu lạnh của em trong ân oán giang hồ.

Chắc chắn người mẹ ấy biết, con mình đang ở trong tay ai, vậy mà lạnh lùng “bỏ mặc” con chết thê thảm trong tay quỷ dữ suốt ba ngày Tết. Có câu “hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng người mẹ buôn bán ma túy này đã bất chấp cả máu mủ, ruột rà…

Tới “người không có mặt”…

Đó là cách gọi vừa khôi hài vừa đau đớn của nhóm bạn bị tạt axit. Cô gái trong câu chuyện sau cũng vậy, dù  kẻ thủ ác đã bị bắt nhưng cô thì sao? Đây là tâm sự của nạn nhân, cô gái bị “cướp mặt”: Cũng gần 5 tháng rồi, kể từ cái ngày cuộc đời mình bị huỷ hoại dưới bàn tay của một kẻ bất nhân. Cứ tưởng đã tìm được hạnh phúc nhưng từ khi đính hôn xong kẻ kia mới bắt đầu lộ ra tính cách vũ phu, nóng lạnh thất thường.

Đã bao nhiêu lần mình thẳng thừng đề nghị chia tay nhưng vì hắn ta hết lần này đến lần khác hứa hẹn sẽ thay đổi, sẽ không đánh đập mình nữa và vì gia đình mình vẫn nhân nhượng không làm to chuyện. Cho đến khi mình không thể chịu đựng thêm được nữa, quyết liệt đến cùng thì hắn ta bắt đầu sắp đặt kế hoạch lừa cả mình và gia đình mình, làm cho gia đình mình mất cảnh giác rồi ra tay tàn độc tàn phá gương mặt của mình bằng chất độc axit.

Cô gái xinh đẹp và chồng sắp cưới sau khi bị tạt axit

Lạnh lùng và tàn độc hơn nữa, khi hắn là một công an. Nếu như gia đình mình không làm căng lên thì liệu có được giám định lại là 46% như bây giờ hay không? Hay là chỉ một bản án vài tháng hay 1-2 năm tù rồi lại “chạy chọt” xong sẽ được tại ngoại, rồi lại tàn phá hình hài của mình một lần nữa? Hiện nay hắn ta vẫn đang bị tạm giam chờ ngày xét xử.

Còn mình thì vẫn chật vật với từng cơn đau mỗi đêm... Một nửa gương mặt bị huỷ hoại, chân tay chằng chịt vết thương, suýt hỏng một mắt, phải lấy da chỗ này đắp lên chỗ kia, vá víu khắp chỗ.

Mọi người hỏi “Có đau không?”. Đau chứ. Đau thể xác, đau tinh thần. Có những thời điểm xem lại ảnh ngày xưa, nước mắt chảy dài. Cũng chỉ vì yêu nhầm người, bồng bột dại dột mà dẫn đến hậu quả nặng nề thế này. Không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến gia đình, đến biết bao nhiêu người…

Còn nhớ trước đây, tại Đồng Nai cũng có một cô gái trẻ bị chồng sắp cưới tạt a xit. Sau này, cô đã gặp một anh thanh niên ở Tây Nam Bộ, tình nguyện lấy cô này làm vợ, anh cũng bị tạt a xit. Đám cưới đôi trẻ đều phải che mặt và miếng che mặt này họ mang theo suốt đời vì họ không còn mặt, không muốn người bạn đời phải nhìn thấy nỗi đau kinh hoàng trên gương mặt vốn lành lặn, được tạo hóa, cha mẹ sinh ra… 

Cũng như câu chuyện của chị Kim Tiến (Cầu Giấy- Hà Nội), từ một diễn viên xinh, chị đã bị người chồng cũ tàn độc tạt axit mất mặt, mất một bên tai… Trải qua hàng trăm cuộc phẫu thuật xé thịt nhồi da, gương mặt vốn xinh đẹp trước đây của chị chỉ còn phảng phất dư âm vẻ yêu kiều thưở xưa… Có thể nói, những gương mặt, những số phận ấy luôn là những ám ảnh khôn nguôi, bởi họ đã từng xinh đẹp biết bao nhiêu. Bởi những kẻ đã từng yêu thương họ khi “không ăn được” là đạp đổ tới ghê rợn…

Liên tiếp  chúng ta phải đối mặt với cái ác, với những trần trụi tới rùng mình và chúng ta luôn tự hỏi, điều gì đã tạo nên những tâm tính man rợ như thế này? Và đây không phải là vụ đầu tiên hay là số ít ỏi về các vụ giết nhiều người trong một gia đình hoặc trong một cuộc ẩu đả thậm chí chẳng vì cái lý do nào cả? Và cả những vụ tạt axit vì ghen, vì đạp đổ cho thỏa lòng ác hận…

Một nhận xét thẳng thắn cho thấy: Người Việt ta thường hay nói về cái tình nhiều nhất nhưng không ít người ngày càng vô cảm, thiếu tình người và dễ dàng trở mặt nhất. Người Việt ta thường hay nói về các nguyên tắc nhưng thực tế ai đó lại vẫn theo một lề lối vô pháp nhất.

Người Việt hay nói về sự hiền lành và đùm bọc nhất nhưng một bộ phận lại dễ phá đám và hung bạo đến kinh khiếp. Người Việt thường nói về lòng trung thực và những điều quảng đại nhất nhưng thực tế không hiếm gặp những thủ đoạn và sự hẹp hòi nhất. Tội ác “học đường” đến mức báo động, bởi thế pháp luật không nên “nhân văn” nữa! 

Khi va quệt vào nhau trên phố, thay vì nhã nhặn giải quyết vụ việc, người ta sửng cồ, sẵn sàng lao vào nhau, người ta sẵn sàng bắt chẹt khách du lịch chỉ vì lợi nhuận trước mắt.

Còn nhớ, bộ phim “Chuyện tử” tế của đạo diễn Trần Văn Thủy sản xuất năm 1985 đã cảnh báo về tình trạng ấy. Và bao thời gian qua đi,  sau 34 năm, bộ phim vẫn còn nóng hổi tính thời sự: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn...”.

Đọc thêm