Chúng ta 'mắc kẹt' ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một ngày, bạn rơi vào trạng thái lo âu dù không chắc lo âu điều gì. Dần dần những âu lo ấy biến thành cơn sợ hãi. Cảm giác nặng như chì đè lên lồng ngực. Bạn cô đơn cùng cực…
Thế giới ảo tạo ra những khoảng trống vô hình giữa người với người. (Ảnh: Internet)
Thế giới ảo tạo ra những khoảng trống vô hình giữa người với người. (Ảnh: Internet)

Khủng hoảng của những hối thúc

Bạn vẫn ngồi cà phê, dạo trung tâm mua sắm, nhưng các hình ảnh bình thường trước đây bỗng dưng trở nên xa rời. Thậm chí bạn vẫn đi làm, vẫn lên lớp giảng bài, nhưng bạn sợ hãi về nhà. Bạn đóng cửa, xa rời chồng con…

Đó là những câu chuyện hoàn toàn có thật. Thu Linh, một giảng viên ngoại ngữ 40 tuổi, có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với anh chồng cao lớn, kinh tế tốt, hai con nếp tẻ đáng yêu, học giỏi. Bỗng cô trở về nhà và khép kín hoàn toàn trong phòng, ngó lơ chồng con. Hàng năm như vậy, không ai có thể đưa cô đi điều trị được. Cô chia tay chồng, về nhà ngoại cùng các con. Cô vẫn lên lớp hàng ngày, nhưng gần như các con là ông bà chăm lo…

Khoa, 28 tuổi, làm mỹ thuật cho công ty quảng cáo. Ngoài công việc chính, anh còn tham gia điều hành một diễn đàn âm nhạc. Môi trường làm việc năng động, cơ hội giao tiếp đến từ nhiều hướng. Thế rồi, cách đây một năm, Khoa xin nghỉ việc. Đồng thời, anh cũng “biến mất” khỏi các không gian đời thực cũng như trên mạng. Trong một email trao đổi với bạn thân, anh cho biết đang tự chữa bệnh. Miêu tả tình trạng bản thân, anh viết: “Đó là chuỗi ngày căng thẳng, mệt mỏi triền miên, không lối thoát. Tôi duy trì thói quen làm việc, nhưng cơ thể chống lại tôi. Càng cố gắng càng tăng cảm giác mất cân bằng và lo sợ. Thoạt đầu, tôi tin có đủ sức mạnh để chịu đựng những điều như thế. Nhưng đến một lúc, tôi cần dừng lại để chỉnh sửa, cài đặt lại chính mình”.

Hoàng, một nhà báo, miêu tả giai đoạn xuống dốc tinh thần giống như trải qua việc mất đi người mẹ thân yêu. Anh không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào. Cuộc sống không còn màu sắc và âm thanh, chỉ là “bản vẽ hai chiều” bằng phẳng, đơn điệu. Không tìm thấy tiếng nói và cảm xúc của bản thân, anh chỉ có thể mơ hồ nhớ về mình như một điều không thật.

Chuyện của X.T, một luật sư ngoài 40 tuổi, là người làm việc cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, học vấn tốt, thu nhập tốt khiến người ngoài nhìn vào thấy anh ấy có cuộc sống mỹ mãn.

Nhưng thực tế, T âm thầm đánh vật với căn bệnh trầm cảm suốt 20 năm trời. X.T có tuổi thơ bất hạnh, bị lạm dụng, quan hệ mẹ - con rất cằn cỗi, lớn lên với sự trống rỗng không biết bản thân muốn gì, hôn nhân cũng lộn xộn. Một con người bất hạnh, nhiều lần nghĩ đến cái chết, cũng không có “cú hích” nào đủ lớn để anh có động lực trị liệu bài bản.

Hằng ngày, chúng ta vẫn đang giao tiếp với các nhân vật như kể trên. Hoặc, chúng ta chính là một trong những nhân vật ấy. Nhưng, rất ít ai trong chúng ta nhận biết và thừa nhận, mình đang bước trên rìa hay vừa rơi vào “hố đen” kiệt quệ tinh thần.

Những “sát thủ” tinh thần đến với ta âm thầm, không có dấu hiệu rõ rệt. Ban đầu có thể là các thay đổi trong biểu hiện giao tiếp như khó chịu, cáu gắt, cô lập bản thân. Rồi tình trạng mệt mỏi thể chất, các triệu chứng chán ăn, mất ngủ. Cuối cùng, ta bỗng thấy mình rơi vào địa ngục cảm xúc không lối thoát.

Người ngoài rất khó nhận ra. Và mỗi người, khi gặp bất ổn cũng giấu kín, tự tìm cách xoay xở. Cấp độ dần tăng. Từ tâm lí, nỗi đau chuyển dần sang thể xác, chúng ta rời bỏ công việc, tự nhốt mình, đối xử tệ với bản thân. Rất nhiều trường hợp, khi chuyện đã đi đến chỗ bi thảm, xung quanh mới ngỡ ngàng biết được tình trạng thật sự của người ở ngay sát cạnh bên, qua thư từ hay nhật ký để lại.

Ngày nay, áp lực là thứ mặc nhiên chúng ta phải chung sống, ở mọi lĩnh vực, với đủ cấp độ. Ở trường phổ thông, ta đối diện thúc ép bài vở, điểm số, thi cử để vào đại học, cạnh tranh giành suất học bổng nhiều kẻ khát khao. Tốt nghiệp, ta mong có công việc tốt, khẳng định vị trí xã hội. Đến công sở, ta lao vào các cuộc đua mang tên deadline, địa vị, lương bổng. Trong gia đình, nơi lẽ ra bình yên hơn cả, người trẻ cũng chịu tác động bởi các kỳ vọng của người thân. Cả khi không có ai, họ vẫn phải đối diện các hối thúc làm sao đẹp hơn, giỏi hơn, kiếm tiền nhiều hơn... Áp lực không chỉ tạo ra bởi xã hội, chúng nằm ngay trong mỗi chúng ta.

Dù không thể phủ nhận, áp lực khiến con người sống có mục đích, nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, cái bẫy của việc đặt ra mục đích sống, đôi khi, chính là mọi thứ còn lại đều như mất sạch sự sống.

Không còn nhìn vào mắt nhau khi… trò chuyện

Thực tế, dẫu tính kết nối theo chiều ánh sáng của Facebook, Twitter, Instagram không những không khiến con người hạnh phúc hơn, mà có xu hướng khiến họ u buồn, cô độc và lạc lõng hơn.

Nghiên cứu của Đại học Michigan năm 2015 cho kết quả: Sự buồn chán, thất vọng ở người trẻ tỉ lệ thuận với thời gian họ dành lang thang trên các mạng xã hội. Một nghiên cứu khác ở Hàn Quốc, cho thấy hầu hết người nghiện game online tại đây đều chịu tổn thương bởi nhiều loại áp lực và game như một cách trốn thoát thực tại.

Hai thập niên trở lại đây, Internet thay đổi cách thức chúng ta liên hệ với nhau, rất nhanh, rất sâu. Cả triệu năm qua, giao tiếp con người chủ yếu dựa trên tiếp xúc trực tiếp. Gặp gỡ ai, ta nhìn vào mắt họ, nghe giọng nói họ, chạm vào họ, cảm nhận sự hiện diện của họ… Thế nhưng, Internet đang thay thế sự hiện diện này, nhanh đến mức não bộ con người chưa kịp thích ứng. Trong khi, cảm xúc phát xuất từ não, không phải trái tim. Não bộ là nơi sản sinh các hormon quyết định cảm xúc chủ đạo trong ta như yêu thương, vui sống, hay nóng giận, bi quan…

Mất kiểm soát trong việc điều tiết lượng hormon dẫn đến các rối loạn tâm thần. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, số lượng bệnh nhân trầm cảm tăng lên thời hiện đại là một hệ quả, cho thấy bộ não đang chống lại thay đổi đột ngột do hình thức giao tiếp mới mang đến.

Cùng với đó, Gen Z là một thế hệ bùng nổ trong lo âu: 50% vấn đề sức khoẻ tâm lý xảy ra ở tuổi teen (13 - 19 tuổi) và 75% diễn ra ở tuổi 24. 1/6 người trẻ hiện tại đang bị rối loạn lo âu. Thế hệ Z là thế hệ được đặt nhiều kỳ vọng nhất, nhưng cũng là thế hệ mong manh nhất. Sự lo lắng triền miên dẫn tới nhiều hệ luỵ như hoảng loạn, suy sụp tinh thần, mất ngủ, đau tức ngực và khó thở và thậm chí là tự tử. Nghiêm trọng hơn, tự tử mang tính lây lan, hiện tượng này càng dễ xảy ra khi cái chết ban đầu xuất phát từ người nổi tiếng trong làng giải trí.`

Tuy nhiên, Gen Z cũng là thế hệ dám đối diện và biết chăm lo đến sức khỏe tâm thần. Nếu trước đây, người ta ngại nói về sức khỏe tinh thần, trốn tránh các vấn đề của bản thân hay thậm chí nghĩ rằng bệnh tâm lý là một điều tệ hại để nói ra thì thế hệ Z đang xem sức khoẻ tinh thần là phần quan trọng hơn bao giờ hết.

Một thống kê cho thấy, cứ 100 người, sẽ có khoảng 4 người đang mắc các chứng rối loạn tâm thần và trầm cảm. Trong số 100 người không may ấy, 1 người tìm đến đến cái chết để chấm dứt nỗi khổ đau. Con số này cao hơn tỉ lệ người chết vì thuốc lá. Hằng ngày, ta vẫn đọc tin tức các vụ tự tử do áp lực công việc, thất tình, chán nản với cuộc sống… Tất cả đều xuất phát từ các vấn đề tâm lí, nhưng rất ít người để tâm nó xuất phát từ những hệ lụy căng thẳng, trầm cảm, đơn độc.

Tại Mỹ, hội chứng Diogenes (lấy tên theo một triết gia hoài nghi Hy Lạp) có ở những người mắc phải nỗi lo sợ các mối quan hệ không bền vững. Tại châu Âu xuất hiện hội chứng Peter Pan, trưởng thành nhưng không chịu rời nhà bố mẹ. Ở Nhật, không ít thanh, thiếu niên định dạng mình là các Hikikomori - những người sống cả đời trong bốn bức tường. Với giới trẻ châu Á, nghiện mạng xã hội, game online, ngày đêm đắm mình vào thế giới ảo là vấn nạn lớn.

Thế giới “phẳng” khiến người trẻ hoài nghi mọi thứ... Lo âu, ngờ vực, không tìm được ý nghĩa cuộc đời, khi gặp vấn đề, họ suy sụp, gãy đổ tâm lý, rơi vào trầm cảm dễ dàng hơn thế hệ trước.

Cuộc nghiên cứu dài nhất trong lịch sử của Đại học Harvard, bắt đầu từ năm 1938 và đi đến kết luận năm 2012, đặt ra câu hỏi cho 724 người tham gia “Điều gì khiến chúng ta hạnh phúc?”. Trải nghiệm cuộc đời của họ được ghi lại trong quyển Triumphs of Experience: Điều làm ta hạnh phúc không đến từ của cải, danh tiếng hay thành quả lao động, mà được quyết định bởi những mối quan hệ. Đó là những người thân thiết, những yêu thương - để ta đủ sức vượt qua thử thách, tìm được ý nghĩa, cũng như xác định lí do tồn tại trên đời.

Có thể thấy, trầm cảm không phải là nỗi buồn vô cớ, rồi qua như mọi người nghĩ. Nếu không có sự can thiệp kịp thời sớm thì những hệ lụy là khôn lường. Thậm chí theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu người trầm cảm nặng, cần bật “chế độ” 24/24h có người “trông chừng” những phút giây rôi vào “hố đen” của sự trống rỗng, không có mục đích sống… Và phương pháp chữa trầm cảm, căn bệnh của thế kỷ 21, thế kỷ của những giao tiếp ở tốc độ ánh sáng, lại là hai hành động đơn giản nhất: Trò chuyện và lắng nghe. Đi qua thời đại công nghệ số, thậm chí AI, mọi giao tiếp chân thật nhất, cuộc sống thật nhất, chứ không phải là thế giới ảo, lại là điều chúng ta hướng tới, để bước qua mọi áp lực, căng thẳng, đớn đau trong cuộc đời này…

Gần 15 triệu người Việt rối loạn tâm thần

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số - nghĩa là có gần 15 triệu người. Song đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt, nhưng thực tế các rối loạn lo âu, trầm cảm chiếm tỉ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên, lạm dụng rượu, chất kích thích…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số người chống chọi với các bệnh rối loạn tâm thần hiện vượt quá 300 triệu, khoảng 4,4% dân số thế giới. Trầm cảm là căn bệnh dẫn đầu, nguyên nhân của hơn 800 ngàn vụ tự sát mỗi năm. Cũng theo WHO, hơn 3,5 triệu người Việt phải chống chọi các chứng rối loạn tâm thần. 40 ngàn trong số đó chọn cách chấm dứt cuộc sống mỗi năm.