Trong thời gian qua, thực hiện Luật PCTH thuốc lá, Bộ Y tế, Quỹ PCTH của thuốc lá tích cực phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá. Nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng Luật như đưa nội dung PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa ra những quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động...
Do có nhiều ưu thế như: có 10 tỉnh hội trên khắp cả nước, 6.000 hội viên và hơn 17.000 thành viên theo dõi trên mạng xã hội nên các kế hoạch Truyền thông về PCTH thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng do Hội YTCC Việt Nam tổ chức cũng được triển khai rộng rãi, có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, nhất là những đối tượng sử dụng thuốc lá.
Chương trình hành động "Vì thành phố Nha Trang không khói thuốc" |
Đặc biệt, chiến dịch truyền thông qua mạng xã hội với chủ đề “Bàn tay người cha” được tiến hành trong 3 giai đoạn chính với mục tiêu tăng cường sự thu hút, sự chú ý của các đối tượng hút thuốc, đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng sử dụng mạng xã hội trong PCTH thuốc lá nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân.
Bên cạnh đó, các tài liệu đào tạo về kỹ năng cho các cán bộ truyền thông về PCTH thuốc lá cũng được xây dựng cụ thể và chi tiết. Các Tuần lễ quốc gia về PCTH thuốc lá, các hoạt động đào tạo, tập huấn cán bộ hướng dẫn thi hành Luật PCTH thuốc lá được tổ chức thường niên với quy mô và cách thực hiện đồng nhất đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi khói thuốc lá trong môi trường sống tại Việt Nam.
Mặc dù tình trạng hút thuốc lá và vi phạm các quy định của Luật PCTH thuốc lá đã có những tín hiệu khả quan hơn, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Tuy vậy, với những nỗ lực và quyết tâm của các Ban, bộ, ngành trong công cuộc đẩy lùi khói thuốc lá, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về một Việt Nam không khóit huốc trong tương lai.
Kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 cho thấy: So với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% xuống 22,5%, tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Điều tra năm 2015 cũng cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm. Giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%; trên các phương tiện giao thong công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Đặc biệt, tại các khu vực thành thị: Tỷ lệ hút thuốc chung giảm đáng kể từ 23,3% xuống 20,6%. Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%. Như vậy, có thể nhận thấy rằng công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.