Chứng thực văn bản song ngữ, người dân thêm quyền lựa chọn

 Thay vì phải đến hai nơi cho một yêu cầu về chứng thực như hiện nay, tới đây người dân có thể được lựa chọn hoặc phòng Tư pháp cấp  huyện hoặc UBND cấp xã.

Thay vì phải đến hai nơi cho một yêu cầu về chứng thực như hiện nay, tới đây người dân có thể được lựa chọn hoặc phòng Tư pháp cấp  huyện hoặc UBND cấp xã.
Người dân chứng thực văn bản hành chính
Người dân chứng thực văn bản hành chính

Một yêu cầu, “chạy” hai nơi

Lo hồ sơ xin việc cho con vào một công ty nước ngoài, những ngày vừa rồi chị Minh Hồng ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội phải “mướt mồ hôi” vì lo khoản chứng thực giấy tờ. Lý do là trong hồ sơ xin việc của cô con gái “cưng” của chị có quá nhiều loại văn bản khác nhau.

Chị phải đến UBND cấp xã để xin chứng thực các văn bản bằng tiếng Việt, và phải lên phòng Tư pháp huyện xin “chứng” văn bản bằng tiếng nước ngoài do cô con gái chị từng tham gia một số lớp đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam. Nắng nóng lại thêm cảnh đi lại, chờ đợi, chị Hồng ao ước, giá chỉ phải đến một trong hai địa điểm nêu trên…

Những vướng mắc như trường hợp của chị Hồng là một trong những vấn đề nổi cộm được Bộ Tư pháp thừa nhận sau ba năm thi hành  Nghị định số 79/CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

Còn “đùn đẩy”

Cũng theo Bộ Tư pháp, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 79/CP thì Phòng Tư pháp cấp huyện chỉ có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài mà không có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Còn  thẩm quyền chứng thực đối với bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt thuộc về UBND cấp xã.

 Tuy nhiên, quy định nói trên đã gây phiền hà cho người yêu cầu chứng thực bởi lẽ việc phân biệt văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt hay bằng tiếng nước ngoài khá phức tạp. Trên thực tế, không chỉ có giấy tờ, văn bản, bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài thuần túy mà có nhiều loại xen kẽ với nhau. Dẫn đến tình trạng đùn đẩy nhiệm vụ giữa UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Thực tế, nhiều trường hợp người dân phải chạy tới chạy lui vì không cơ quan nào chịu giải quyết yêu cầu của họ

Cũng theo Bộ Tư pháp, trong trường hợp khi có yêu cầu chứng thực đối với nhiều văn bản, giấy tờ (có loại bằng tiếng Việt, có loại bằng tiếng nước ngoài…) cùng một lúc, người dân sẽ vừa phải đến phòng Tư pháp cấp huyện để yêu cầu chứng thực bản sao văn bản, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, vừa phải đến UBND cấp xã để yêu cầu chứng thực bản sao văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt. Như vậy, sẽ rất phiền hà cho người dân (trường hợp của chị Hồng nêu trên là một ví dụ).

Người dân được thêm quyền lựa chọn

Với những bất cập nêu trên, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 79/CP đã bổ sung theo hướng quy định bên cạnh thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, phòng Tư pháp cấp huyện có thêm thẩm quyền chứng thực các việc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng bổ sung thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã đối với giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt có xen một số từ bằng tiếng nước ngoài và văn bản có tính chất song ngữ giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Theo Bộ Tư pháp, quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời tránh sự hiểu không rõ ràng.

Như vậy, theo quy định này, đối với bản sao giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt thì người dân có quyền lựa chọn chứng thực tại UBND xã hoặc phòng Tư pháp cấp huyện, xóa bỏ tình trạng phức tạp trong việc phân định thẩm quyền chứng thực giữa phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã đối với các giấy tờ, văn bản có sự đan xen phức tạp giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài như hiện nay, cũng như tạo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu chứng thực đối với giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài cùng thời điểm.

Sau hơn ba năm thi hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, các phòng Tư pháp trên cả nước đã chứng thực được 3.423.464 bản sao; 998.625 chữ ký cá nhân, thu lệ phí trên 36 tỷ đồng; các UBND cấp xã đã chứng thực được 1.285.876.673 bản sao; 5.185.173 chữ ký cá nhân; lệ phí chứng thực thu được là hơn 278 tỷ đồng…

Hương Bằng

Đọc thêm