Chuỗi hệ thống Civili Store bán hàng giả

(PLO) - Hàng loạt các mẫu thương hiệu đồng hồ, nước hoa nổi tiếng trên thế giới như: Hublot, Patek Philippe, Dolce & Gabbana, Chanel Coco... đang được chuỗi hệ thống Civili Store bày bán công khai với giá từ vài trăm tới vài triệu đồng. Điều dễ dàng nhận thấy, tất cả các sản phẩm này đều được chủ cửa hàng giới thiệu là hàng cao cấp, "siêu cấp lớn nhất Việt Nam".

"Treo đầu dê bán thịt chó".

Truy cập vào trang web: civilistore.com, các loại đồng hồ, nước hoa, kính mắt được đăng tải công khai. Từ các sản phẩm cao cấp như Rolex... cho đến bình dân Casio đều được bán với giá "phải chăng". Đánh vào tâm lý khách hàng, hệ thống cơ sở của Civili Store đã nhập nhiều loại sản phẩm gắn mác thương hiệu nổi tiếng để lừa dối khách hàng thu về nguồn lợi cho mình.

Khảo sát tại một cơ sở có địa chỉ ở Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã được nhân viên tư vấn rất chi tiết về các loại sản phẩm này.

Tổng kho siêu cấp lớn nhất tại Việt Nam được quảng cáo công khai trên mạng.

Trong vai một người đang có ý tưởng kinh doanh đồng hồ, và muốn nhập một số lượng đồng hồ tại cơ sở về để bán, phóng viên đã được nhân viên tên Dũng giới thiệu: “Sản phẩm của cửa hàng là hàng Fake (hàng giả - PV), trong đó có Fake 1, Fake 2. Hàng Fake 1 có giá khoảng 2 triệu VNĐ, gắn mác cho những thương hiệu nổi tiếng như Hublot hay Philippe. Những mặt hàng này được bảo hành 1 năm tại hệ thống của cửa hàng. Hàng Fake 2 có giá rẻ hơn, khoảng 700 nghìn VNĐ/đồng hồ. Những hàng này được bảo hành 6 tháng, nhưng dễ bị bay màu”.

Cũng theo Dũng, muốn trở thành đại lí của Civili Store cũng rất đơn giản và nhận được chiết khấu khủng từ những sản phẩm này. Khi nhập sản phẩm của Civili Store, đại lí sẽ được hỗ trợ về quảng cáo fan page. Sản phẩm sẽ được chiết khấu khủng từ 40 đến 45%. 

Theo Dũng việc mở cửa hàng kinh doanh thu được lợi nhuận rất lớn. Hiện tại, hệ thống cửa hàng có 3 cơ sở: Showroom 1 tại Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội; Showroom 2 tại Trương Định; Showroom 3 tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tại đây, cứ 6 tháng cửa hàng lại nhập lô hàng mới để thu hút khách hàng. Một nhân viên cho biết, lượng hàng bày bán cũng hạn chế, chủ yếu để ở kho, hoặc cất kín không là "quản lí thị trường hốt hết”.

Hàng để cửa hàng rất hạn chế đề phòng quản lý thị trường.

Được biết, Civili Store có 3 fan page, trong đó có 1 page chính là Civili Store. Mỗi ngày cửa hàng mất 1 triệu VNĐ cho những trang này, trong khi đó mỗi 1 cơ sở sẽ thu về lợi nhuận bình quân là 10 triệu VNĐ/ngày.

Có thể thấy với hình thức kinh doanh này, Civili Store đã "móc túi"  khách hàng để thu về nguồn lợi vô cùng lớn.

Buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù.

Được biết, hệ thống của Civili Store đã được hình thành và kinh doanh nhiều năm qua. Về góc độ pháp lý của vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Long - Trưởng văn phòng luật Đức Tín thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành vi buôn bán hàng giả tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Nguyễn Đức Long nhận định, việc buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù.

Cũng theo luật sư Long, trường hợp buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị xử lý theo Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, có nhiều mức phạt áp dụng, thấp nhất là 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng, cao nhất là 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định ở trên nếu hàng giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ- CP. Ngoài ra, người vi phạm phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

"Đối với trường hợp buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì bị xử lý theo Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền thấp nhất là 200.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng, mức phạt tiền cao nhất 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định ở trên đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 185/2013/NĐ- CP. Người vi phạm phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả" - Luật sư Long cho biết thêm.

Tùy tính chất, mức độ, loại hàng hóa vi phạm, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm