Trước đó, Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long đã ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Ninh để bán 10 lô hàng là sắt, thép, vật tư phục vụ đóng tàu đang tồn kho mà Công ty không còn nhu cầu sử dụng. Trong đó, có một số lô hàng thép tấm, thép hình, vật tư ống và phụ kiện có trị giá từ 15 đến 31 tỷ đồng. Tổng giá trị khởi điểm của lô hàng là hơn 96 tỷ đồng. Do vậy, việc tổ chức bán đấu giá lô hàng là nhiệm vụ quan trọng đối với cả chủ sở hữu tài sản và đơn vị tổ chức bán đấu giá.
Để thực hiện việc bán đấu giá lô hàng này có hiệu quả nhất cho chủ sở hữu tài sản, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Ninh đã lập kế hoạch khá công phu, đặc biệt là việc thông báo bán đấu giá tài sản bằng nhiều hình thức để thu hút được nhiều khách hàng có tiềm lực tài chính và có nhu cầu thực sự đối với lô hàng. Kết quả, đã có 46 doanh nghiệp và cá nhân đăng ký tham gia đấu giá để dành quyền sở hữu các lô hàng tồn kho mà Công ty Đóng tàu Hạ Long bán thanh lý.
Theo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Ninh, ngày 29/5, Trung tâm chỉ thực hiện bán đấu giá 4 lô hàng trên có đủ điều kiện để tổ chức bán đấu giá. Phiên đấu giá do đấu giá viên Ngô Thế Giáp, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ninh điều hành. Ngoài sự có mặt của đại diện 46 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá tài sản, phiên đấu giá còn có mặt của 4 người là đại diện chủ sở hữu lô hàng và 4 cán bộ Công an TP Hạ Long để thực hiện việc giám sát công tác bán đấu giá và cả việc tham gia đấu giá của khách hàng.
Phiên đấu giá đã được đấu giá viên tổ chức đúng quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Việc trả giá của khách hàng được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín, qua nhiều lần trả giá với mỗi bước giá phải cách nhau 20 triệu đồng, cá biệt là lô hàng thép tấm có giá khởi điểm hơn 31 tỷ đồng có bước giá lên đến 50 triệu đồng.
Toàn cảnh phiên bán đấu giá tài sản của Trung tâm DV BĐG Tài sản tỉnh Quảng Ninh |
Theo quy chế, nội quy bán đấu giá tài sản của Trung tâm được công bố tại phiên đấu giá, người mua đấu giá phải trả giá từ bước giá đầu tiên. Nếu dừng lại thì coi như là bỏ cuộc và không được tham gia ở các bước tiếp theo.
Lô hàng đầu tiên là lô thép tấm có giá khởi điểm hơn 3,978 tỷ đồng đã có 32 khách hàng tham gia đấu giá. Sau lần trả giá đầu tiên, giá lô hàng chỉ tăng thêm 20 triệu đồng (1 bước giá) nhưng đã có 30 khách hàng bỏ cuộc chơi. Hai khách hàng còn lại đã tham gia cuộc đua về giá đến 4 lần, khi giá trị lô hàng được ông Nguyễn Xuân Bá, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thu Đức trả lên đến 4,502 tỷ đồng thì mới ngã ngũ. Riêng lô hàng này, chủ hàng đã thu về đươc hơn 500 triệu đồng so với giá khởi điểm đã được xác định.
Tuy nhiên, việc bán đấu giá lô hàng đầu tiên cũng lộ ra nhiều "tiểu xảo" của những người tham gia đấu giá mà nội quy và quy chế bán đấu giá chưa lường trước được. Những "tiểu xảo" được sử dụng để cản trở và kéo dài phiên đấu giá tài sản. Về việc này, Biên bản đấu giá tài sản cuả Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Ninh đã nêu rõ: "nhiều khách hàng cố tình viết sai, sửa chữa, tẩy xóa trong phiếu tham gia trả giá nhằm cản trở cuộc bán đấu giá, mặc dù người điều hành cuộc bán đấu giá có ý kiến và cán bộ, nhân viên Trung tâm đã nhiệt tình hướng dẫn khách hàng trả giá nhưng vẫn có nhiều trường hợp cố tình làm sai hướng dẫn của Trung tâm".
Vì lý do này, các khách hàng tham gia đấu giá bức xúc và đề nghị đơn vị tổ chức bán đấu giá xác định những phiếu viết sai hoặc sửa chữa, tẩy xóa một cách cố ý là không hợp lệ và chủ nhân của các phiếu này không được quyền tham gia trả giá ở các lần tiếp theo. Điều này cho thấy, trong phiên đấu giá này cũng có không ít những khách hàng không thực sự muốn mua hàng mà chỉ xuất hiện như những "quân xanh" trong phiên đấu giá.
Đây là một tình huống phát sinh mà quy chế và nội quy đấu giá chưa lường trước được. Vì vậy, để ngăn chặn những việc làm mờ ám sau những tờ phiếu bị tẩy sửa, cố ý viết sai, đấu giá viên Ngô Thế Giáp đã xin ý kiến đại diện bên có tài sản bán đấu giá và đại diện Công an thành phố Hạ Long và cả những người tham gia đấu giá để thông qua quy định, các phiếu bị sửa chữa, tẩy xóa là không hợp lệ và chủ nhân của phiếu này sẽ bị "truất quyền" tham gia đấu giá vòng tiếp theo. Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thì đây là việc làm rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu tài sản và những người đến phiên đấu giá với mong muốn mua hàng thực sự.
Sau khi quy định này được thiết lập ngay tại phiên đấu giá, việc bán các lô hàng tiếp theo vẫn xuất hiện hiện tượng cố tình viết sai, tẩy xóa, sửa chữa phiếu bỏ giá và nhiều khách hàng đã bị loại ngay sau lần trả giá đầu tiên. Cụ thể, lô hàng thứ 2 có 2 phiếu không hợp lệ; lô hàng thứ 3 có 2 phiếu không hợp lệ và lô hàng thứ tư có đến 6 phiếu không hợp lệ.
Việc loại bỏ những phiếu không hợp lệ khỏi cuộc đấu giá là một việc làm kịp thời, đảm bảo cho việc bán thành công tài sản cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long. Tuy nhiên, theo ông Ngô Thế Giáp, vì việc này mà sau phiên đấu giá cán bộ của Trung tâm đã nhận được tin nhắn của một người tham gia phiên đấu giá đe dọa sẽ "kiện" vì bị khống chế, không cho trả giá. Người tổ chức bán đấu giá còn bị khách hàng này cáo buộc là tiêu cực.
Nhưng, những cáo buộc này dường như là vô nghĩa vì việc phiên bán đấu giá tài sản được tổ chức khá bài bản, đúng quy định, đặc biệt là có sự chứng kiến đầy đủ của chủ sở hữu tài sản và Công an TP Hạ Long. Bên cạnh đó, việc sử dụng "tiểu xảo" để mua được tài sản với mức giá thấp cũng thường xuất hiện trong các phiên bán đấu giá. Do đó, việc đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản và chủ sở hữu tài sản "truất quyền" đấu giá của những người cố tình cản trở việc bán đấu giá tài sản là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu tài sản và những người thực sự muốn mua hàng một cách ngay tình. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.