Nguyễn Trần Trung (18 tuổi) quê ở Lâm Hà (Lâm Đồng) ra Hà Nội học tại Trường Cao đẳng điện tử - điện lạnh Hà Nội hệ trung cấp nghề điện lạnh. “Năm 2017, khi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, người anh họ đang làm tại doanh nghiệp tại Hà Nội có tư vấn cho em vào học thẳng hệ trung cấp. Em cũng suy nghĩ gần 2 tháng khi lựa chọn theo học hệ trung cấp liên thông này. Gia đình có 3 anh em, hoàn cảnh khó khăn, em lại là con trưởng nên quyết định học luôn hệ trung cấp để có thể vừa học, vừa đi làm” - Nguyễn Trần Trung cho biết.
“Ngày ấy, tốt nghiệp lớp 9 xong là em bỏ học. Mê game nên em nhờ người quen giới thiệu vào học Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP HCM. Sau 4 năm chăm chỉ học hành, em đã lấy được bằng Cao đẳng chính quy, ngành Quản trị mạng máy tính. Giờ đây, em đã có việc làm ổn định với thu thập khá ở một công ty danh tiếng.
Dự định sắp tới, với sự giới thiệu của trường, em sẽ nộp đơn du học ở Úc, tiếp thu kiến thức ngành Công nghệ thông tin để viết tiếp ước mơ của mình” là câu chuyện của Đức Duy, một thanh niên 22 tuổi đã ra trường nghề, làm việc được 3 năm và hiện đang chờ phỏng vấn du học Úc. So với bạn bè cùng lứa ở tuổi 22 mới chập chững vào đời, Duy đã thực sự trưởng thành và quyết định được tương lai của mình.
Việc chọn nghề bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực giới
Tại các nước phát triển như Đức, Nhật hoặc Australia, nhiều gia đình quan tâm việc cho con em học nghề sớm. Đó cũng là con đường để tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Đơn cử, Nhật Bản có mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 để có kỹ sư thực hành. Hiệp hội 51 trường cao đẳng công nghệ Kosen là địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình và doanh nghiệp. Ra trường, 100% học viên có việc làm với thu nhập cao.
Tại Việt Nam, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn. Phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu là đến năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% học sinh vào học các trường nghề.
Tuy nhiên, hiện nay, con số này mới chỉ đạt 15% bởi trên thực tế việc đào tạo nghề, hướng nghiệp và việc làm cho trẻ vị thành niên gặp nhiều khó khăn. Báo cáo thực trạng về đào tạo nghề, hướng nghiệp và việc làm cho trẻ vị thành niên (người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi)” do Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) thực hiện cho thấy, mặc dù công tác đào tạo nghề được tích hợp vào nhiều chính sách khác nhau nhằm hỗ trợ trẻ em từ đủ 15 đến 18 tuổi, nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quá trình tuyển sinh, đào tạo và sau đào tạo.
Khó khăn bao gồm: Quan niệm cũ của phụ huynh về việc cho con học nghề khiến bản thân vị thành niên ít hứng thú với việc học nghề sớm; thiếu hỗ trợ từ phía doanh nghiệp trong việc phát triển các lĩnh vực đào tạo; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập và nguồn kinh phí…
“Việc chọn nghề bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực giới. Chuẩn mực giới đã ăn sâu trong tiềm thức của xã hội. Với sự ảnh hưởng của truyền thông, doanh nghiệp, giáo viên, phụ huynh và xã hội, trẻ em trai và trẻ em gái được hướng nghiệp theo các con đường sự nghiệp khác nhau. Điều này khiến hạn chế lựa chọn và tiềm năng phát triển của trẻ em trai và trẻ em gái. Cạnh đó, các doanh nghiệp cũng ít khi tuyển dụng trẻ từ 15 đến 18 tuổi vì 2 lý do trẻ thiếu kỹ năng chuyên môn và lo ngại về thủ tục pháp lý” – báo cáo nêu.
“Chương trình 9+”- hướng đi mới lập nghiệp thời 4.0
Với Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành và Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, năm học 2019-2020 là năm học mà “Chương trình 9+” chính thức bắt đầu thực hiện. Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Trường trung cấp Công nghệ Thăng Long đã tổ chức Tọa đàm “Chương trình 9+: Hướng đi mới lập nghiệp thời 4.0”.
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Đỗ Văn Giang - Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thực tế Mô hình 9+ đã từng triển khai từ những năm 1980 với tên gọi trung học nghề, nhưng sau đó trầm lắng xuống. Khoảng 5 năm trở lại đây, Mô hình 9+ đang tái khởi động lại nhằm định hướng phân luồng ngay từ trung học cơ sở (THCS) với một số mô hình triển khai trong thời gian qua đã thành công và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
“Hiện nay, một số trường trung cấp, cao đẳng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang thí điểm tuyển sinh và đào tạo học sinh hoàn thành bậc THCS - thường được gọi là Mô hình 9+. Đây được xem như một giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” mà Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.
Đối với học sinh, việc lựa chọn Mô hình 9+ là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thay vì mất thêm 3 năm theo học THPT, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này”, theo ông Đỗ Văn Giang.
Dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng, có kinh nghiệm tuyển dụng hơn 30 năm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ông Trần Ngọc Lương – Giám đốc Công ty TNHH U-Shine Vietnam cho biết: “Có một thực tế là chúng tôi thích tuyển dụng các em tốt nghiệp trường nghề hơn trường đại học. Vì ra trường là các em sẽ làm được việc luôn và không ngại khó, ngại khổ. Đối với các em tốt nghiệp đại học, chúng tôi phải đào tạo lại từ đầu và tâm lý các bạn này thường cho rằng mình học đại học sao phải đi bê bàn, bê ghế…”.
Ông Lương cho biết, trong ngành khách sạn, nhà hàng, ngay bản thân các vị trí cao cũng bắt đầu từ học nghề, phụ bếp. Điển hình như, từ một phụ bếp của khách sạn Metropole, đến nay chủ hiệu bánh Anh Hòa đã phát triển 13 cơ sở và rất thành công.
“Rất nhiều người thành công chỉ xuất phát điểm từ đầu bếp, phụ bếp nhưng họ có thái độ làm việc tốt, luôn chăm chỉ học hỏi nâng cao tay nghề. Nếu các bạn trẻ học nghề chịu khó nâng cao chuyên môn thì chỉ cần từ 3 đến 5 năm có thể lên chức Quản lý trưởng và chỉ mất 10 năm phấn đấu vào vị trí Giám đốc. Trên cương vị nhà tuyển dụng, tôi thấy học nghề là vấn đề quan trọng. Thực tế nhiều nhà quản lý không đi lên từ học nghề cũng không thể quản lý tốt được vì họ không có chuyên môn, không va vấp nhiều từ thực tế” - ông Lương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite Pr School, Giám đốc điều hành CSCI Indochina cho biết, bản thân ông cũng từng có thời gian làm Giám đốc truyền thông cho khách sạn Metropole nên biết rõ, hầu hết các giám đốc nhà hàng đều đi lên từ bếp. Họ là những người rất thiện chiến, người đầu bếp không thể lừa dối họ vì họ cũng từ làm bếp đi lên.
Là một phụ huynh có con đang theo học nghề tại Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long, ông Lê Trần Tuấn đánh giá: “Tôi đã cho con học được một học kỳ ở đây. Giải pháp 9+ này đã mở ra một cánh cửa mới cho rất nhiều học sinh có cơ hội học tập và đào tạo nghề ngay từ khi còn rất trẻ, để con em chúng ta ra trường được làm chính nghề mình học chứ không phải làm trái ngành, trái nghề, bỏ phí thời gian học hành, đào tạo. Đặc biệt, con em chúng ta đi học nhưng được Nhà nước hỗ trợ tiền học nghề”.
“Chương trình 9+” là gì?
“Chương trình 9+” là cách gọi tắt của chương trình được quy định để đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS và có nguyện vọng được giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ. Mô hình này có rất nhiều ưu điểm như: Tiếp cận chi phí, thời gian đào tạo nghề; rút ngắn thời gian tiếp cận việc làm của các em; người học được tiếp cận các kỹ năng mềm rất tốt; người học có thể thỏa mãn nhu cầu học liên thông lên trình độ cao hơn khi đã đảm bảo các điều kiện theo các quy định.