Chương trình liên kết đào tạo: Không chạy theo số lượng, đảm bảo chất lượng

(PLVN) - Làm thế nào để nâng cao chất lượng chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài để tránh “sính ngoại”, thu hút học sinh ở lại Việt Nam học tập tại những cơ sở giáo dục đại học tốt nhất, những trường đại học top 1.000 thế giới?
Ảnh minh họa.

Có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo

Đó là một trong những trăn trở được đặt ra tại Tọa đàm trực tuyến “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển” mới tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tới 62,71% cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách top 1.000 trường ĐH trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường ĐH, nhiều chương trình ĐH đã được xếp hạng và lọt top 1.000 trường tốt nhất thế giới.

Liên kết đào tạo ĐH ở Việt Nam được thực hiện từ lâu nhưng đến năm 2005 công tác kiểm định chất lượng mới được đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) và tới năm 2012 mới có quy định cụ thể về liên kết đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH cũng như Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là các chương trình liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài. Sự chuyển giao này thực sự mang lại những điều tích cực.

Bà Thủy cho hay, nhiều quốc gia hiện nay rất quan tâm đến thị trường giáo dục Việt Nam. Sinh viên Việt Nam có chất lượng đầu vào tốt, các em cũng nhanh nhẹn trong việc tiếp cận với công nghệ mới, với chuyển đổi số, ngoại ngữ đầu vào tốt.

Quốc gia hiện nay có nhiều chương trình ở Việt Nam có thể kể đến là Vương quốc Anh, chiếm số lượng lớn và áp đảo. Tiếp theo là Mỹ, Pháp, Úc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật, Newzealand… Hiện có khoảng trên 25 nghìn sinh viên đang theo học các chương trình liên kết nước ngoài trên cả nước.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo bà Nguyễn Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, xu hướng đi du học trước đây nay đã bão hòa, chuyển dần sang xu hướng chuyển giao chương trình đào tạo cho các nước sở tại có đông sinh viên học. Các quốc gia là điểm đến du học nổi tiếng trên thế giới cũng đang chuyển dần sang việc cung cấp các chương trình học cho sinh viên quốc tế tại các chính nước sở tại. Bên cạnh đó, một trong những phương thức tăng cường quốc tế hóa giáo dục ĐH mà Bộ GD&ĐT đề ra là đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục ĐH quốc tế có uy tín thông qua việc thực hiện các Chương trình liên kết đào tạo với các trường ĐH trên thế giới.

Theo đó, Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được các trường ĐH mở ra nhằm mang lại cho sinh viên cơ hội có bằng cấp quốc tế với chi phí thấp hơn du học và có việc làm tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: “Liên quan tới tiếp cận chính sách, tôi nhìn thấy ở tầm của những trường đầu ngành, chúng ta rất tự tin vào quá trình liên kết đào tạo. Nhưng nhìn ở bức tranh rộng lớn hơn, ở mấy trăm trường ĐH, nhìn ở hơn 300 chương trình đào tạo, chúng ta thấy vẫn còn trăn trở nhiều vấn đề. Đây đó vẫn có đối tác trong quá trình đào tạo, uy tín và chất lượng không bảo đảm. Đây đó còn trăn trở của người học, về việc chi khoản tiền không nhỏ cho đào tạo, nhưng bù lại, họ được cái gì? Không phải là bằng cấp mà là các chứng chỉ, khi đi vào thị trường lao động đã không được công nhận. Đây là câu chuyện mà hàng ngày, hàng giờ chúng ta bắt gặp”.

Quay trở lại câu chuyện đang bàn là có hay không vấn đề “sính ngoại”, có hay không vấn đề chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng? Câu trả lời chắc chắn là có và số lượng cơ sở giáo dục ĐH vi phạm về liên kết đào tạo không phải là ít.

Do đó, theo bà Mai Hoa, về hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ GD&ĐT đã có bước chuẩn bị để sắp tới ban hành thông tư về vấn đề này. Nếu có định hướng rõ hơn, nếu có văn bản hướng dẫn cụ thể, thì chắc chắn cách làm của các trường sẽ đi những bước đi đúng hơn, không chỉ một số trường top trên, mà cả các trường khác.

Hoàn thiện hành lang pháp lý không chỉ là câu chuyện ban hành văn bản, mà cần phải đồng hành với triển khai đồng bộ thanh tra, kiểm tra, giám sát. Làm sao phát hiện dấu hiệu chưa đúng để điều chỉnh, xử lý trường hợp sai để tránh ảnh hưởng tới bức tranh chung của giáo dục ĐH. Trong quá trình thanh tra giám sát cũng phát hiện mô hình làm hay, làm đúng để lan tỏa.

“Cuối cùng, câu chuyện tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các trường. Người dân, sinh viên cần thông tin chính xác về đối tác liên kết đào tạo, về đầu ra, về nội dung, yêu cầu mà người học tham gia sẽ được cái gì… Sự minh bạch trong thông tin của các trường phải rất rõ”, bà Mai Hoa nhấn mạnh.