Chuyện bi hài thời xăng tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giá xăng tăng cao kỷ lục nhất trong 8 năm trở lại đây, kéo theo là hàng loạt những câu chuyện “dở khóc, dở cười” của người dân. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hãy cùng xem bức tranh sống động về sinh hoạt của mọi người trong thời buổi “xăng quý như vàng”.
Giá xăng tăng, đè nặng áp lực lên việc đi lại của người dân.
Giá xăng tăng, đè nặng áp lực lên việc đi lại của người dân.

Người dân bỗng nhiên trở thành những “nhà môi trường học”

Buổi sáng của anh Minh – nhân viên mới tại một viện nghiên cứu tại Hà Nội bắt đầu vào lúc 7h sáng. Minh thường chọn đi xe buýt, bởi gia đình anh không có điều kiện, bao tiền bạc đổ dồn vào việc học tập suốt mấy năm trời của anh. Minh thường than thở với bạn bè, dù là sinh viên giỏi trong khoa, nhưng ra trường sáu năm nay, anh vẫn phải đi phương tiện công cộng và ở nhà thuê. Trong khi đấy, có những bạn học đồng trang lứa đã sớm “tậu” cho mình xế hộp, nhà riêng.

Nhưng sáng sớm nay lạ thường hơn mọi ngày, trên chuyến xe bus số 07 đông đúc, chật kín sinh viên, người già. Anh chợt thấy bóng dáng chiếc áo vest màu xám bóng loáng của sếp mình. Minh kể lại rằng: “Sếp Hùng vốn dĩ chỉ đi xe ô tô, nhà sếp có điều kiện, mua nhà tận Hưng Yên, sáng sớm hôm nào cũng lái xe ung dung đến viện nghiên cứu. Tối sếp đi một vòng Hà Nội, chở đứa con gái đang học trường quốc tế và phu nhân làm bên chứng khoán, cả gia đình vui vẻ đi về căn biệt thự, ai trông thấy cũng ghen tị”. Nên khi gặp sếp, anh không khỏi ngạc nhiên, lỡ mồm chào to: “Em chào sếp” khiến cho cả sếp và anh đều thấy ngượng ngùng.

Sau đó, anh Minh mới vỡ lẽ, sếp mình hiện tại, mỗi ngày đều đi xe bus là bởi xăng lên giá. Con “xế hộp” bạc tỷ của sếp mỗi lần đổ xăng hết vài triệu. Mấy năm nay, do dịch COVID-19, việc làm ăn kém, chỉ có lương cơ bản, không còn “hoa hồng” cho anh em, vì vậy, ai cũng “chết đói” chứ không phải mình sếp. Vợ sếp làm bên chứng khoán, đầu tư tiền ảo, thị trường Bitcoin hiện đang “chết hàng loạt”, chính vì thế, gia đình càng phải tiết kiệm. Anh Minh tâm sự: “Sếp chỉ bảo, từ giờ, anh em mình chung con Limousine 18 chỗ này rồi”. Sau đó sếp anh gượng cười, người lảo đảo vì không quen đứng trên xe bus.

Chị Trang, nhân viên kỳ cựu lại một cơ quan nhà nước ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã chuyển từ đi xe máy tay ga sang xe đạp điện. Chị chia sẻ, dù nhà cách nơi làm chỉ có 10 phút đi xe máy, đi bộ cũng chỉ rơi vào khoảng 20 phút nhưng chị thường xuyên đi xe, đỡ mệt và an toàn. Từ đầu năm đến giờ, xăng tăng, con xe Vision của chị thuộc loại “ngốn xăng”. Vì vậy, chị mua cho mình một chiếc xe máy điện. Chị Trang tâm sự: “Quãng đường từ nhà đến nơi làm rất gần, xe điện 3 – 4 ngày mới phải sạc một lần, tiền điện chẳng tốn bao nhiêu. Trong khi đi con Vision, chị phải đổ xăng thường xuyên. Ngày trước không nói, bây giờ, mỗi lần đổ đến 150.000 đồng, mà không biết giá xăng còn tăng thế nào nữa? Đi xe điện vừa tiết kiệm, lại vừa bảo vệ môi trường”. Chính vì vậy, cơ quan chị Trang được phen hú vía, khi thấy chị ngày nào cũng đi “con xe cút kít” đến làm.

Giờ đây, bác Tài, một xe ôm công nghệ than trời: “Giá xăng hiện nay còn đắt hơn mấy lần giá rượu. Trước kia mình còn tự nhủ tiết kiệm tiền rượu, mua xăng chạy xe cho hữu ích. Giờ đây, một cuốc chạy chẳng bù được bao nhiêu tiền xăng, có khi quay về mua rượu uống cho đỡ buồn đời”. Một cuốc xe ôm trong nội thành hiện nay dao động từ 30.000 – 100.000 đồng, chưa kể nếu người dùng có các mã giảm giá thì sẽ rẻ hơn rất nhiều. Trong khi, đổ đầy bình cho một xe Wave cũng mất đến gần 100.000 đồng, chạy có 2 – 3 chuyến đường dài là lại phải bơm xăng. Bác Tài vừa uống trà đá, vừa tâm sự: “Có khi, mình quay sang đạp xích lô cho lành. Vừa thân thiện với môi trường, quen nhiều khách Tây, có khi sau một năm lại đi dạy “Ing – lịt”(English) cho bọn trẻ con”.

Hiện nay, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường dự trữ xăng dầu để không bị động trước nguồn cung thế giới. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã thừa nhận: “Hiện, Việt Nam có dự trữ xăng dầu, nhưng lượng dự trữ rất ít, chỉ đáp ứng nhu cầu được khoảng 5 – 7 ngày. Quỹ này chỉ được sử dụng trong tình huống đặc biệt”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những cuộc cãi nhau không hồi kết

Khác với những người trưởng thành như anh Minh, chị Trang, bác Tài. Cặp đôi của Phương Anh và Tiến Đạt lại xảy ra nhiều bất hòa. Phương Anh là sinh viên năm cuối Đại học Hà Nội, bạn đang sống cùng với bạn trai là Tiến Đạt. Hai người cách nhau một tuổi, nhưng rất yêu nhau và có ý định sẽ tiến tới hôn nhân sau khi Phương Anh ra trường.

Nhưng dạo gần đây, Đạt và Phương Anh thường xuyên cãi nhau, mọi người không hiểu tại sao lại như vậy. Sau khi tìm hiểu, mới vỡ lẽ: “Đó là do giá xăng tăng cao”. Phương Anh hiện học năm cuối, bên cạnh việc đi học, bạn còn đi dạy thêm, cuối ngày thường tham gia các CLB nhảy hoặc đi tụ họp bạn bè. Đạt là người đàn ông lịch lãm, chiều bạn gái nên thường đến đón người yêu. Bản thân Phương Anh rất thích đi dạo chơi hồ Tây, hồ Gươm hoặc đi đến vùng ngoại ô. Nhưng bạn không biết đi xe máy, ở quê, bố mẹ Phương Anh có điều kiện, nên hay chở con đi chơi bằng ô tô.

Chính vì vậy, bạn thường đòi Đạt phải đèo đi dạo quanh Hà Nội. Ngày trước thì không vấn đề, nhưng hiện nay, giá xăng tăng, đi hết một vòng hồ Tây cũng đã mất cả chục cây số, mỗi ngày Đạt phải đi làm xa đến 8km. Tiền lương của nhân viên có hạn, mặc dù đã xin sếp làm thêm giờ, nhưng nhiều khoản chi phí nhà ở, ăn uống, đi chơi, xã giao, Đạt chẳng dư dả bao nhiêu. Chính vì vậy, vài tháng trở lại đây, Đạt và Phương Anh thường xuyên cãi nhau.

Phương Anh tâm sự: “Có hôm, vừa về nhà đã mặt nặng, mày nhẹ, không nói chuyện, chỉ ngồi chơi game. Em đói meo mốc, nhưng anh ấy vẫn không cùng em đi mua đồ ăn”. Bạn cũng thở dài, ngao ngán: “Tính em thích ra ngoài, nhưng cứ mỗi lần rủ bạn trai đi chơi. Anh ấy chỉ bảo “Không đi. Giá xăng tăng 32.000 đồng/lít rồi, tốn tiền lắm”. Dần dần, nhiều hôm, Phương Anh khóc lóc chỉ muốn bỏ bạn trai vì nghĩ rằng mình không còn được yêu thương.

Giá xăng tăng không phải là điều xa lạ, thậm chí, trên thế giới, mọi người đang vật lộn để sống. Giá xăng ở Mỹ liên tục tăng giữa tháng 3 là một gallon dầu diesel có giá trung bình 5,25 USD và không ngưng tăng, đến giữa tuần này con số lên tới 5,72 USD/gallon. Rất nhiều người dân Mỹ đang chuyển qua sử dụng phương tiện công cộng, để tránh tình trạng phải để trả số tiền khổng lồ cho việc đi xe ô tô. Trường hợp Britt Ruggiero và Jusstin Giufrida đã mua chiếc xe bus cũ chở học sinh làm nhà di động, giờ đây, khi muốn di chuyển tới California, họ phải mất đến 300 USD thay vì 200 USD như trước.

Giá xăng tăng, rau cũng tăng giá, hoa quả cũng leo thang, nhưng đồng lương người làm công ăn lương thì vẫn “chung thủy” như cũ.

Chị Hoàng Mai Linh (30 tuổi) ở tại phường Nghĩa Đô, Hà Nội than thở: “Sáng nay, đến mớ rau cũng tăng giá, cân thịt cũng tăng. Lúc kêu ca, người bán cũng chỉ đáp, giá xăng tăng, rau củ, thịt thà họ chở đi bán cũng bằng xe máy chứ có phải đi bộ, chèo thuyền đến đưa cho đâu”. Chị tâm sự, mớ rau muống trước mua có 5.000 đồng, giờ tăng 7.000 đồng, hôm nào mưa to gió lớn thì lên 10.000 đồng. Nhà chị có mình chồng chị đi làm, chị vừa sinh, đang nghỉ thai sản, hai vợ chồng nhiều khi cãi nhau vì chi phí trong nhà. Chị Linh muốn anh nhà đừng đi chơi, đá bóng sau giờ làm, tốn tiền xăng. Chồng chị lại bảo rằng, chị nên giảm tiền ăn uống trong nhà đi, bớt chi phí.

Tiền xăng cứ thế tăng, giá cả “đội” lên, người dân lao đao mỗi ngày. Mọi người đang hi vọng giá sẽ giảm, nhưng theo dự báo mới nhất, giá dầu sẽ tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới. Đặc biệt, khi tình hình thế giới đang ngày càng có nhiều biến động thì có lẽ, người dân nên chuẩn bị áp dụng những biện pháp “sống xanh” chuyển qua các phương tiện công cộng hoặc dùng xe máy điện.

Năm 2022 được đánh giá là một năm giá xăng dầu tăng kỷ lục nhất trong 8 năm trở lại đây. Mỗi tháng, người dân như “ngồi trên đống lửa” hồi hộp chờ đợi bảng niêm yết mới cho giá xăng dầu. Mỗi khi dân tình hi vọng giá xăng đi xuống, thì một lần nữa, những con số lại được nâng lên thêm “nấc thang mới”. Tính từ đầu năm tới giờ, những lần giá xăng hạ thưa thớt đếm trên đầu ngón tay.

Đọc thêm