Chuyện cảm động về thầy giáo “khiếm thị” nặng lòng với trẻ “bất hạnh”!

  Lớp học “đặc biệt” ở mái ấm Hướng Dương của thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy (33 tuổi, số 79 đường Tiểu La, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đã thắp lên ánh sáng cho nhiều trẻ em “bất hạnh” nơi đây có được một tương lai mới...
Lớp học “đặc biệt” ở mái ấm Hướng Dương của thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy (33 tuổi, số 79 đường Tiểu La, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đã thắp lên ánh sáng cho nhiều trẻ em “bất hạnh” nơi đây có được một tương lai mới...
Cứ mỗi giờ giải lao, thầy giáo Duy cùng các em nhỏ khuyết tật này xum vầy bên nhau, rồi cùng nhau đàn hát vui vẻ trong mái ấm. Nhiều người bảo rằng đó là cách thầy Duy tạo thêm niềm vui, tinh thần cho các em vượt qua nỗi đau của mình. 
Tai nạn bất ngờ thuở 13
Nghe câu chuyện của thầy Đặng Ngọc Duy bấy lâu nay, mãi đến hôm nay, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến và hiểu được hoàn cảnh của thầy giáo khiếm thị này. 
Nhường lại lớp học cho các cô giáo, thầy Duy tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của mình. 
Thầy Duy kể: “Năm tôi mới 13 tuổi (học lớp 6), trong một lần đi học về có nhặt được một “kíp nổ”, vừa lượm lên thì “kíp” phát nổ, rồi bất tĩnh. Lúc tĩnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện. Hậu quả, hai mắt của tôi băng bó, còn tay trái thì mất hết 4 ngón.  
Các học trò khuyết tật bên thầy khiếm thị Duy tại cơ sở mái ấm Hướng Dương.
Đau đớn nhất, từ “chiến lợi thẩm” nhặt được đó khiến tôi phải sống trong sợ hãi, sống trong bóng tối cả cuộc đời còn lại”. 
Không chùn bước trước số phận, Duy cần mẫn, mò mẫm từng chữ Braille, đau buốt với những ngón tay không lành lặn và toát mồ hôi đánh vật với kiến thức của những người khiếm thị. 
Thấy con ngày đêm mò mẫm, “vật lộn” với chữ Braille tự mình sáng chế bằng những thanh tre, ba mẹ Duy không kìm được nước mắt. 
Đến năm 1992, nghe ở Đà Nẵng mở trường dành cho người khuyết tật, ba mẹ Duy lặn lội đưa con ra học. 
Sau gần 5 năm được học chữ ở ngôi trường dành cho người khuyết tật, Duy học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm và rút ra được kinh nghiệm cho bản thân - “phải học mới thành người”. 
Đến năm 1997, Duy khăn gói trở về lại Tam Kỳ bắt đầu học lại lớp 7 của trường Nguyễn Huệ (Tam Kỳ, Quảng Nam). 
Năm 2002, Duy rời cấp 3 về nhà tự mình mày mò ôn luyện để nuôi ước mơ trở thành một thầy giáo sau này giúp ích cho đời. 
Đến năm 2005, ước mơ đã đến với Duy, Duy đỗ Cao đẳng với chuyên ngành sư phạm Ngữ Văn của trường ĐH Quảng Nam. 
Năm 2008, tốt nghiệp Cao đẳng, Duy ở nhà cặm cuội cho đề án xây dựng lớp học mái ấm dành cho người khiếm thị đầu tiên ở Quảng Nam. 
Duy cho biết: “Khi còn là sinh viên, trong trái tim tôi đã có một ước mơ rất chân thành - ước mơ không cho những trẻ em khuyết tật. Hơn ai hết, chính tôi đã thấm thía sự khát khao được học chữ, khát khao được hòa nhập cộng đồng và cả sự tủi thân bởi những khiếm khuyết hình thể của một người khuyết tật”. 
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần làm việc ở Quảng Nam và ủng hộ cho mái ấm của thầy giáo Duy - Ảnh: Ngọc Hải.
Tình thương của thầy danh cho trò bất hạnh
 Mái ấm Hướng Dương được thuê lại từ căn nhà cũ ở số 79 đường Tiểu La, TP Tam Kỳ do Duy làm chủ. 
Bao nhiêu tiền chắt chiu, vay mượn bạn bè Duy dồn hết cho mái ấm. Tất tần tật mọi thứ ở đây đều do bàn tay “không lành lặn” của Duy sắp xếp. Thuê cô giáo, thuê chị nuôi các trẻ, vật dụng trong mái ấm đều được Duy chở từ nhà ba mẹ ruột lên. 
Hiện ở lớp học tình thương của Duy có gần 20 em học sinh, tất cả các em đều có mỗi hoàn cảnh, mỗi khiếm khuyết khác nhau như: thiểu năng trí tuệ, thiểu năng hành động, khiếm thính, khiếm thị và tất cả đều chung nỗi đau tật nguyền. 
Sinh hoạt trong mái ấm Hướng Dương, các em được học hành, nuôi dưỡng, chăm sóc trong tình yêu thương chân thành, ấm áp. Các em được học chữ, học hát, được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ... 
Nghị lực phi thường và tấm lòng nhân ái cùng một khát vọng sống “không bao giờ tắt” của thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy, hơn 20 năm sống trong bóng tối như một viên ngọc quý sáng ngời để che chở cho các em khuyết tật. 
Mong muốn lớn nhất của thầy và trò mái ấm Hướng Dương lúc này là, làm sao có một mái ấm hoàn thiện, kiên cố hơn, chứ không phải đi thuê mướn như hiện nay. 
Chia tay lớp học đặc biệt của thầy giáo Duy, chúng tôi mong sao “ước mơ nhỏ nhoi” của họ sẽ sớm thành hiện thực…
Trương Gia Hân

Đọc thêm