Nửa thế kỷ trước đây, những người mắc bệnh nan y, đặc biệt là ung thư, buộc phải nghĩ rằng cuộc đời mình đã chấm dứt. Nửa thế kỷ sau, những thành tựu trong lĩnh vực y học, nhất là các tiến bộ trong nghiên cứu về ghép tủy như việc sử dụng nguồn tế bào gốc tạo máu (tế bào gốc) được Việt Nam thực hiện thành công đã thắp lên một tia hy vọng lớn.
Một bệnh nhân đang chuẩn bị cấy ghép tế bào gốc |
Hạnh phúc thoát “án tử”
Chị Lại Thị Hạnh (54 tuổi, giáo viên một trường tiểu học ở Gia Lai) là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam được hưởng thành quả từ nghiên cứu y học tế bào gốc. Đang mạnh khỏe hạnh phúc sống cùng chồng con, người phụ nữ này bỗng xuất hiện triệu chứng đau xương thường xuyên như mũi khoan đâm. Lo lắng hết tìm đến bệnh viện tỉnh, lên Tp. Hồ Chí Minh để khám và xét nghiệm, nhưng vẫn không tìm ra bệnh.
Lặn lội ra tận Hà Nội khám, chị được phát hiện bị thoát vị đĩa đệm. Sau khi xét nghiệm tại Viện Huyết học và Truyền máu TW (Viện HH&TMTW), bệnh nhân này được chẩn đoán bị đa u tủy xương. Sau 3 đợt điều trị hóa trị liệu không đáp ứng, được chỉ định ghép tế bào gốc tự thân, hơn một năm sau đó những cơn đau đã biến mất, sức khỏe chị trở lại bình thường.
Bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc đồng loại cuối năm 2010 cũng đang sống rất khỏe mạnh. Đó là anh Nguyễn Thế Hưng, 30 tuổi, ngụ thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đầu năm 2011, bệnh nhân này bị xuất huyết ngoài da, chảy máu chân răng nhiều đến nỗi, khi đang giảng bài, cứ 15 phút anh lại phải chạy ra ngoài để nhổ một đống máu ứ trong miệng.
Đến Viện HH&TMTW khám và xét nghiệm, anh được xác định bị suy tủy xương mức độ nặng, được tư vấn ghép tế bào gốc đồng loại, người cho tủy là em trai. “Ra viện hơn một tháng tôi đã đi làm trở lại. Nhà cách trường tới hơn 4 cây số nhưng tôi vẫn đi xe máy bình thường. Cuộc sống ổn định một thời gian, vợ chồng tôi sẽ tính chuyện sinh đứa con thứ hai…”, anh Hưng không giấu được sự vui mừng chia sẻ.
Đến thăm trung tâm ghép tế bào gốc lớn nhất cả nước, chúng tôi cũng bắt gặp những vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc xen lẫn sự hồi hộp và âu lo của chính bệnh nhân và người nhà. Vợ bệnh nhân Nguyễn Quang Hưng (37 tuổi, ngụ phường Trần Tế Xương, Tp. Nam Định) vui vẻ cho hay cách đây khoảng 8 tháng, chồng chị bỗng nhiên xuất hiện những vết tím ngoài da. Đến viện khám, chồng chị bị nghi ung thư máu nên đã được chuyển sang Viện HH&TMTW, được chỉ định ghép tế bào gốc.
“Khi phát hiện mình bị ung thư máu, chồng tôi suy sụp, buồn chán và thất vọng vô cùng. Trước khi ghép, anh ấy hồi hộp và lo lắng lắm, nhưng sau khi được ghép tế bào gốc anh vui vẻ và lạc quan hẳn lên”, chị cho biết. Chị cũng cho hay, lần này đưa chồng lên đây khám lại và nằm viện vài ngày theo dõi. Năm nay nhà chị sẽ ăn Tết thật to để chào mừng hạnh phúc trở lại.
Một bệnh nhân đang chuẩn bị cấy ghép tế bào gốc |
Hành trình 20 năm chinh phục
Từ năm 1957, hàng loạt các nghiên cứu lâm sàng cũng như thực nghiệm về ghép tủy đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng phải đến tận những năm 70 của thế kỷ 20, các tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu về ghép tủy mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc, đem lại niềm hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân ung thư.
Tiếp thu những kinh nghiệm, tiến bộ khoa học, y học trên thế giới, cộng với những nỗ lực và phấn đấu bền bỉ, Việt Nam cũng đã và đang trong quá trình chinh phục các bệnh nan y. Trong lĩnh vực ghép tế bào gốc, Việt Nam hiện có 5 trung tâm thực hiện được kỹ thuật này, gồm Viện HH&TMTW; Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Tp. HCM; Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Đa khoa TW Huế và Bệnh viện Quân y 108.
Tính đến thời điểm này, các trung tâm trên cả nước đã thực hiện thành công trên 200 ca ghép tế bào gốc, chủ yếu tại hai cơ sở huyết học lớn nhất của Việt Nam: Viện HH&TMTW thực hiện 64 ca (44 ca ghép tự thân, 20 ca ghép đồng loại); và Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Tp. HCM thực hiện khoảng 115 ca (54 ca ghép đồng loại; 61 ca ghép tự thân).
Th.S. Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện HH&TMTW cho biết lịch sử ghép tế bào gốc tại Việt Nam đã có bề dày gần 20 năm. Năm 1995, ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên đã được thực hiện thành công. Mười một năm sau, Viện HH&TMTW lại thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh đa u tủy xương; rồi năm 2008 là ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy giai đoạn cuối … Sau khi chuyển sang cơ sở mới với một hệ thống đồng bộ lâm sàng, xét nghiệm hiện đại và đồng bộ, số lượng các ca ghép tế bào gốc tại đây đã tăng lên đáng kể: 19 ca năm 2011, 22 ca năm 2012, trong đó số ca ghép đồng loại năm 2012 tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.
Những bệnh nhân vui mừng hơn nữa khi năm 2011, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Trung tâm tế bào gốc trực thuộc Viện HH&TMTW, được trang bị hệ thống xử lý, lưu trữ và bảo quản lâu dài tế bào gốc; bước đầu lưu trữ, bảo quản được khoảng 20 mẫu máu dây rốn, một nguồn tế bào gốc quan trọng phục vụ cho ghép ở trẻ em. Phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc, đồng loại cũng như tự thân đã đang trở thành một phương pháp điều trị bệnh máu thường quy tại Viện.
Là người đặt nhiều tâm huyết, hy vọng vào thành công của ghép tế bào gốc, cũng là người trực tiếp nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật y học này vào thực tế, Th.S. Khánh không thể nào quên được những ấn tượng về ca ghép đầu tiên được thực hiện trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người… vô cùng thiếu thốn.
“Bồn chồn, lo lắng, căng thẳng đến mất ăn mất ngủ. Rồi hàng trăm câu hỏi đặt ra trong đầu: Không biết tế bào gốc có mọc được trong cơ thể người bệnh không? Các thuốc điều trị cho bệnh nhân có gây tác dụng phụ không? Cơ thể người bệnh có thích ứng với tế bào gốc đó không…”, Th.S Khánh tâm sự.
Anh cho hay “mỗi ca bệnh là một nỗi lo”. Hết mối lo này đến mối lo khác và sẽ không bao giờ hết lo, bởi khoa học là vô cùng. Chinh phục được cái này sẽ phải tiếp tục nghĩ đến, nghiên cứu cái khác, với mong muốn kéo dài thời gian sống và cứu sống bệnh nhân.
Đoan Trang