Chiều qua (30/10), Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã chủ trì cuộc họp nghe đề xuất về việc chuyển nhiệm vụ, bộ máy tổ chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) từ Văn phòng Chính phủ về Bộ Tư pháp.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Thiết lập được một hệ thống cơ quan kiểm soát TTHC
Sau thành công của Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC. Trên cơ sở Nghị định số 63/2010/NĐ-CP quy định về cơ quan kiểm soát TTHC, Cục Kiểm soát TTHC trực thuộc Văn phòng Chính phủ đã được thành lập bằng Quyết định số 74/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Cục Kiểm soát TTHC có chức năng giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (gọi tắt là Bộ trưởng, Chủ nhiệm) tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm soát TTHC; tổ chức thực hiện việc kiểm soát TTHC, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
Cục cũng thực hiện 19 nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có một số nhiệm vụ quan trọng như: Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ thẩm tra về quy trình, thủ tục chuẩn bị đối với các dự án, dự thảo văn bản pháp luật có liên quan đến quy định về TTHC do các Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật; Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát TTHC tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh; Xây dựng, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm quyết định hoặc để Bộ trưởng, Chủ nhiệm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến kiểm soát TTHC khi được cấp có thẩm quyền giao; Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống của nhân dân…
Đến nay, theo đánh giá bước đầu, Cục Kiểm soát TTHC đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Nguyễn Văn Lâm chia sẻ, sau hai năm thành lập và đi vào hoạt động, đã hình thành một hệ thống cơ quan kiểm soát TTHC từ Trung ương đến địa phương (nhưng không có chức năng quản lý nhà nước) với lực lượng khá hùng hậu gồm 600 biên chế và 12 nghìn cán bộ đầu mối tại các Bộ, ngành, địa phương.
Bảo đảm tiếp tục thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ
Xuất phát từ nội dung sửa đổi Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Bộ Tư pháp sẽ được giao chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ như triển khai nội dung cải cách TTHC, xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp tính chi phí thực hiện TTHC, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc cải cách quy định hành chính cũng như tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiểm soát TTHC, cải cách TTHC tại các Bộ, ngành, địa phương…
Vì vậy, xét đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý chuyển nhiệm vụ, bộ máy tổ chức làm công tác kiểm soát TTHC từ Văn phòng Chính phủ về Bộ Tư pháp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Bộ Tư pháp chủ động chủ trì triển khai nội dung cải cách TTHC, bảo đảm tiếp nối công việc, tránh gián đoạn.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện Cục Kiểm soát TTHC và một số đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết: Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 93/2008/NĐ-CP, trong đó bổ sung Cục Kiểm soát TTHC vào cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. “Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình tổ chức, bộ máy của Cục Kiểm soát TTHC và mối quan hệ công tác với các đơn vị khác thuộc Bộ sẽ được làm rõ nhằm bảo đảm tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ kiểm soát TTHC” – Thứ trưởng Liên nhấn mạnh.
Thục Quyên